“Kỳ lân” làng biển

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
12 tuổi trở thành ’rái cá’ biển Bảo Ninh và sông Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình); 40 tuổi trở thành ’kỳ lân’ làng biển với tiếng tăm lừng lẫy. Đó là những gì mà người dân thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh mô tả sơ qua về ngư dân Phạm Tuyển (sinh năm 1982) bởi anh ra khơi chưa có chuyến nào về tay không. Chuyến biển gần nhất, anh Tuyển đã đánh được 250 tấn cá nục, bán được 2,5 tỷ đồng, thu lãi 1,8 tỷ đồng là một kỳ tích hiếm có.
“Kỳ lân” làng biển
Là chủ tàu các Phạm Tuyển luôn hòa đồng cùng bạn thuyền

Kỷ lục một luồng cá

Bên bờ biển Đông, thôn Mỹ Cảnh (xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình) là một làng chài xa xưa đã truyền dạy cho Phạm Tuyển tất cả kinh nghiệm ngư phủ cho cuộc sinh tồn với sóng nước dài lâu. Đang chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi sau chuyến biển 20 ngày thu về 250 tấn cá, anh Tuyển nói: “Nghề nào cũng cần siêng năng, chăm chỉ lao động thì mới có được thành quả. Nếu vì nặng nhọc mà biếng nhác chắc chắn tôi không thể trúng luồng cá lớn như vậy”.

Một tháng trước, nhìn con trăng và dòng nước biển Đông xoáy chậm, Tuyển gọi điện tập hợp bạn thuyền lên đường với hy vọng đánh bắt chút đỉnh nhằm bù đắp lại 2 năm khó khăn do Covid-19. Một đêm đang thả lưới, mây đen kịt mà không mưa, lưới vây kéo dài cả chục cây số, bỗng nhiên trên radar dò cá, sóng tầm nhiệt nổi lên một hàng dài đỏ rực, mọi người chong đèn, một luồng cá nục khổng lồ hàng tỷ con xuất hiện, Tuyển hét lên: “Lên boong. Chuẩn bị hầm trữ cá. Đàn cá nục này lớn nhất anh em ạ!”.

Ai nấy vào vị trí, mẻ thứ nhất thu vào cả chục tấn. Trời hửng sáng, anh em dằn bụng chút cơm nguội chan mì tôm, tàu lại theo máy dò, luồng cá khổng lồ lại tiếp tục xuất hiện. Ai cũng vào việc nhịp nhàng.

“Lượng cá quá lớn, đổ đầy khoang mà máy dò vẫn báo cá còn rất nhiều, do đó chúng tôi gọi cho tàu hậu cần gần nhất đến mua cá để tranh thủ ở lại đánh bắt thêm. Nếu đi về bờ bán, sẽ lạc mất luồng cá, không thể tìm lại”, Phạm Tuyển kể.

Để đánh bắt được 250 tấn cá nục, tàu của Phạm Tuyển đi mất 20 ngày. Đa số cá được tàu hậu cần thu mua trên biển khi đánh bắt đầy khoang. Bởi theo Phạm Tuyển, với số cá kỷ lục này không có bất cứ tàu cá nào của ngư dân có thể chuyên chở nổi. Tàu của Tuyển hơn 900CV nhưng trữ đầy cũng chỉ khoảng 30 tấn. May mắn đánh bắt thời hiện đại có tàu hậu cần vừa thu mua vừa cung cấp nguyên liệu, dầu đèn, đá lạnh, thức ăn cho anh em bạn thuyền. Chuyến cuối cùng chừng hơn 30 tấn cá, Tuyển cập cảng cá Nhật Lệ. “Vừa cho anh em nghỉ lấy sức, vừa chia sẻ luồng cá cho các tàu bạn để cùng có thu nhập và chia nhau bám biển, góp phần giữ gìn biển đảo”, Phạm Tuyển tâm sự.

“Kỳ lân” sừng sỏ

Hành trình trở thành một “kỳ lân” làng biển nổi tiếng khắp miền Trung đối với Phạm Tuyển không phải tự nhiên mà có. Sự trưởng thành ấy đi lên từ những ngày khốn khó thuở ấu thơ. 12 tuổi, Tuyển theo cha anh làng Bảo Ninh ra biển đánh bắt vùng lộng. Lớn lên, anh vay mượn đóng tàu ra riêng. Qua từng năm, tích nhỏ thành lớn, Tuyển đóng được tàu 90CV. Dần dà làm ăn, Tuyển dấn thân đóng tàu hơn 200CV, rồi 400CV… để hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa. Năm 2010, anh vay 10 tỷ đồng đóng tàu lớn.

“Thời điểm đó Tuyển là người đi đầu, có ý thức bám biển xa Hoàng Sa nhằm góp phần giữ gìn biển đảo - đó là một bước đi táo bạo. Khi đó, Tuyển mới 28 tuổi nhưng dám vay mượn khoản tiền lớn như vậy là rất có chí hướng làm ăn và tấm lòng bám biển xa”, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Ninh, nhận xét.

Lần giở lại cuốn sổ ghi chép, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Ninh thông tin thêm, với ngư dân Phạm Tuyển, việc đi chuyến biển về trúng tiền tỷ khá nhiều lần. Năm 2018, cũng tầm tháng 8, Tuyển đi biển 15 ngày đã gặp luồng cá lớn, thu về hơn 2 tỷ đồng. Vậy nên Tuyển được bạn nghề đặt cái tên là “kỳ lân biển” bởi sự chăm chỉ, cần cù và thành tích chưa chuyến biển nào thu về dưới 800 triệu đồng. Năm 2010 vừa đóng tàu lớn, chuyến đầu tiên Tuyển cũng thu về hơn 1 tỷ đồng. Năm 2013, nâng cấp tàu công suất cao hơn, sau khi hạ thủy, chuyến đầu năm Tuyển thu vào hơn 1,5 tỷ đồng.

Thành tích lừng lẫy, vậy mà trước mặt chúng tôi là một người đàn ông khiêm tốn, nhưng rất nhiệt tình khi nói về từng con nước, con trăng, từng luồng cá trên biển Đông, từng tháng đánh bắt, từng tuần giữa biển khơi. “Con nước và luồng gió thuận lợi thì lưới vây cá không bị căng, không bị rách. Ngược lại, dòng hải lưu mà chảy ngược hướng gió, chuyến đó thường bị rách lưới, tổn thất rất lớn, tàu của tôi không vội vàng mỗi lần dò ra luồng cá, phải cẩn thận hàng tiếng đồng hồ. Lúc nào dòng hải lưu và gió cùng một hướng, lúc đó thuận nước, lưới không rách, cá thu được nhiều, chậm mà chắc nhằm tránh tổn thất”, Phạm Tuyển chia sẻ.

Ngư dân Nguyễn Hào Quảng, người theo Phạm Tuyển nhiều năm đánh bắt trên biển, nhìn nhận: “Tuyển là thuyền trưởng từ trẻ, có khí chất thủ lĩnh, xông pha, tính toán cẩn trọng, không phạm sai lầm nên tính mạng anh em bám biển luôn bảo toàn. Tuyển yêu thương bạn thuyền, không vì là chủ tàu mà đe nẹt nên anh em ai cũng quý mến, nể trọng mà làm việc cật lực. Lương thưởng sau mỗi chuyến đi biển, Tuyển dành cho anh em khá hậu hĩnh. Như chuyến biển vừa rồi, ngoài lương, Tuyển còn thưởng cho anh em kha khá và hứa cuối năm thưởng cao hơn năm trước”, ông Quảng nói.

Bám biển Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền

Từ năm 2010 đến nay, Phạm Tuyển đã có 12 năm bám biển Hoàng Sa và các ngư trường xa. Với ngư dân trẻ này, bám biển Hoàng Sa ngoài là nghề mưu sinh còn là nghĩa vụ làm “cột mốc sống” trên vùng biển đảo Việt Nam. Bởi lẽ, trong huyết quản của Tuyển, những gì có lợi cho quê hương phải thực hiện, thực thi để mỗi chuyến đi biển còn có ý nghĩa góp sức cho hành trình bám biển lâu dài.

“Đi Hoàng Sa chuyến đầu tiên tôi theo máy hành trình, chuyến thứ hai thôi thúc khám phá, chuyến thứ ba theo dòng nước thủy triều lên xuống. Những chuyến sau, lối đi ấy tôi đã thuộc làu, không cần nhìn máy hành trình, chỉ nhìn dòng thủy triều đã biết tới đoạn nào, cách Hoàng Sa còn bao nhiêu hải lý. Với ngư dân chúng tôi, biển đảo là quê hương vững vàng khi ra khơi, bởi trên những chuyến hải trình như vậy, đều có tàu Kiểm ngư bảo vệ vòng xa cho bà con yên tâm đánh bắt”, Phạm Tuyển tâm sự.

Sau 12 năm bám biển Hoàng Sa, Phạm Tuyển đã gây dựng được nhà khang trang giữa làng cát Mỹ Cảnh, trả được nợ vay đóng tàu lớn, tạo dựng việc làm cho hàng chục lao động, giúp đỡ nhiều bạn bè trên bờ có chút vốn làm ăn. Với anh, đó là góp chút sức nhỏ để phát triển quê hương. Phần lớn thời gian lên bờ, Tuyển đều lo tu sửa máy móc, chuẩn bị cho chuyến đi mới mà mục tiêu phải là biển Hoàng Sa. Tuyển kể: “Mọi sự chuẩn bị hậu cần đều là bám biển Hoàng Sa, vì ở đó tôi có một tình cảm đặc biệt khó tả. Đánh bắt được con cá, tôi thấy rất giá trị, bởi được làm ăn chân chính trên vùng biển đảo của cha ông để lại cảm xúc rất thiêng liêng”.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Ninh, nói thêm: “Tuyển là người vì quê hương cả khi trên bờ lẫn cách bám biển Hoàng Sa. Tổ đoàn kết của Tuyển có 6 tàu, tàu nào cũng làm ăn khá giả, trở thành giàu có hơn 10 năm qua. Tuyển uy tín nên được bầu là Tổ trưởng tổ đoàn kết bám biển này. Chuyến biển cả 6 tàu ra khơi do Tuyển dẫn đầu ai cũng yên tâm, bởi kết quả đều mang lại thu nhập cao”.

Từ những chuyến biển của Phạm Tuyển, 12 năm qua, bình quân mỗi năm mang về doanh thu hơn 10 tỷ đồng; 2 năm khó khăn do Covid-19, mỗi năm đánh bắt được 7 tỷ đồng, cho thấy sức làm việc của Tuyển rất bền bỉ và cần cù. Từ những thành tích này, ngày 15-3-2022, Phạm Tuyển được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba do “đã có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Bình, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Ông Trần Tiến Sĩ, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Quảng Bình, cho biết, đây là danh hiệu xứng đáng cho một người vượt qua bao sóng gió, bám biển bền gan vững chí. Cùng với đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng bầu chọn Phạm Tuyển là Nông dân xuất sắc Việt Nam năm 2022 vì những thành tích xuất sắc của một “kỳ lân làng biển”.

Với danh hiệu này, Phạm Tuyển chân thành: “Tôi rất bất ngờ khi được Chủ tịch nước ký tặng Huân chương Lao động hạng ba. Nghề biển là mưu sinh, cũng là lẽ sống của tôi, vì vậy, mỗi chuyến ra khơi tôi đều phải cố gắng hết sức”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật