Thiên tai khốc liệt đe dọa nhiều nước Đông Nam Á

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định lâu dài của khu vực ở Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, các thảm họa thiên tai đang có xu hướng tiếp diễn với cường độ ngày càng lớn.
Thiên tai khốc liệt đe dọa nhiều nước Đông Nam Á
Dự báo trong tuần tới, nhiều địa phương sẽ có mưa đến mưa rất to và có khả năng xảy ra lũ quét tại 8 tỉnh Campuchia. (Ảnh: AFP)

Mới đây, Bộ Khí tượng và Tài nguyên nước Campuchia (MWRM) ngày 14/8 dự báo trong tuần tới, nhiều địa phương của nước này sẽ có mưa đến mưa rất to và có khả năng xảy ra lũ quét tại 8 tỉnh.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới từ Ấn Độ cùng với mùa mưa tại khu vực Tây Nam, MWRM cho biết từ ngày 15 - 19/8, một số tỉnh là Kampong Thom, Preah Vihear, Ratanakiri, Stung Treng, Kratie, Tboung Khmum, Kampong Cham và Oddar Meanchey có nguy cơ xảy ra lũ quét do mưa lớn. MWRM đã khuyến nghị người dân nâng cao cảnh giác trong thời gian nói trên để tránh những nguy hiểm và thiệt hại về tài sản.

Lũ lụt thường xảy ra tại Campuchia trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10. Theo báo cáo của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Campuachia, năm ngoái, lũ quét đã khiến 11 người thiệt mạng và trên 172.000 người phải sơ tán.

Trong khi đó, lượng mưa lớn trút xuống nhiều khu vực trên khắp nước Lào từ ngày 6 - 9/8 đã gây ra lũ lụt, làm hư hại nhà cửa và cơ sở hạ tầng, đồng thời nhấn chìm hàng trăm ha đất nông nghiệp ở nhiều tỉnh và thủ đô Viêng Chăn.

Theo đó, mưa lớn kéo theo lũ lụt đã ảnh hưởng đến thủ đô Viêng Chăn, các tỉnh Sekong và Savannakhet, cũng như một số huyện của các tỉnh Champasak và Xayaboury, cùng những nơi khác. Tại thủ đô Viêng Chăn, lũ lụt đã làm gián đoạn hoạt động giao thông trên diện rộng. 

Giới chức Lào đã tiến hành khảo sát các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do lũ lụt. Có 29 khu vực bị thiệt hại do lũ lụt tại 25 ngôi làng với ít nhất 839 gia đình bị ảnh hưởng ở huyện Sikhottabong của thủ đô Viêng Chăn. Một số nơi vẫn ngập sâu trong nước do lượng mưa tăng lên gây ngập úng các vùng trũng thấp, hệ thống thoát nước bị tắc nghẽn do rác và bùn đất gây khó khăn cho việc thoát nước.

Theo báo cáo, huyện Thapangthong ở tỉnh Savannakhet phải hứng chịu những trận mưa liên tục trong nhiều ngày qua, dẫn đến nước tích tụ làm ngập nhiều ngôi nhà và đất nông nghiệp dọc theo sông Mekong và một số con suối. Dữ liệu sơ bộ do chính quyền địa phương ở Savannakhet thu thập cho thấy ít nhất 9 ngôi làng ở huyện Thapangthong bị ảnh hưởng và hơn 63 ngôi nhà bị hư hại do lũ lụt. Gần 200 ha đất canh tác đã bị ngập sâu và một số cơ sở hạ tầng bị hư hỏng.

Tại Thái Lan, Bão Mulan sau khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới tiếp tục gây mưa lớn ở huyện Mae Sai, tỉnh Chiang Rai, miền bắc Thái Lan, khiến nước sông Sai vượt mức báo động. Đến sáng 13/8, đê sông Sai bị vỡ một số đoạn, khiến hơn 2.000 căn nhà, 200 cửa hàng ở 4 ngôi làng chìm trong nước lũ.

Nước lũ ở huyện Mae Sai, tỉnh Chiang Rai, miền bắc Thái Lan. (Ảnh: PBS World)

Hiện tại, nước lũ đã rút gần hết và người dân bắt đầu dọn dẹp. Một số cư dân phàn nàn đồ đạc bằng gỗ, cửa gỗ và một số thiết bị điện bị hư hại. Nguồn cung cấp điện và nước vẫn bị cắt. Chính quyền huyện trước đó quyết định cắt điện để đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, thị trấn Tachileik của Myanmar, đối diện huyện Mae Sai qua sông Sai, cũng bị ngập lụt do vỡ đê.

Lũ lụt ở 11 tỉnh phía bắc và đông bắc Thái Lan do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới hầu hết đã lắng xuống, ngoại trừ các huyện Bo Kluea, Thung Chang, Muang và Tha Wang Pha của tỉnh cực bắc Nan. Nước lũ được cho là sẽ rút hoàn toàn trong vài ngày tới.

Người đứng đầu văn phòng phòng chống và giảm nhẹ thiên tai tỉnh cho biết tình hình lũ lụt đang được cải thiện nhưng nước sông Nan, đoạn chảy qua tỉnh, vẫn ở mức cao. Hơn 5.000 hộ gia đình ở 11 tỉnh miền bắc, đông bắc và miền đông phải chịu thiệt hại do lũ lụt. 

Trước mối nguy hiểm đó, Trung tâm Chỉ huy Nguồn nước Quốc gia Thái Lan đang khuyến cáo người dân sống gần bờ sông Mekong ở 7 tỉnh đông bắc đề phòng những đợt nước dâng đột ngột từ hôm nay đến 18/8. Theo trung tâm, mưa lớn do áp thấp nhiệt đới gây ra ngày 11 và 12/8 tại khu vực Luang Prabang của Lào làm tăng đáng kể lượng nước chảy qua đập thủy điện sông Xayaburi, khiến mực nước hạ lưu sông Mekong tăng lên.

Mới đây, tại Thụy Sĩ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về Trung tâm Khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SeAFFGS).

Việc tham gia ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ đảm nhiệm vai trò Trung tâm khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á mà WMO tin tưởng giao Tổng cục KTTV đảm nhiệm. Đây là hoạt động quan trọng trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai do lũ quét sạt lở đất cho Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung, góp phần xây dựng kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Á bền vững, hòa bình và thịnh vượng. Hoạt động này là sự ghi nhận vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực KTTV.

Được biết, khu vực Đông Nam Á có khí hậu nhiệt đới gió mùa và là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của các thảm họa thủy văn như lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất. Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo sớm lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn chưa đầy đủ và phù hợp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật