Nữ hành khách nhảy lên băng chuyền quay clip: Check in “sống ảo”, hậu quả thật

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thật đáng ngại, “sống ảo” trên mạng xã hội lại đang là trào lưu ở nhiều người, nhất là đối với người trẻ. Có người đã bất chấp cả quy định của Pháp Luật, thậm chí đánh đổi cả tính mạng để “check in sống ảo”…
Nữ hành khách nhảy lên băng chuyền quay clip: Check in “sống ảo”, hậu quả thật
Cô gái nhảy lên băng chuyền hành lý 

Mới đây, một clip đang được lan truyền trên TikTok ghi lại cảnh nữ hành khách nhảy lên băng chuyền hành lý ở sân bay. Cô gái cố tình thực hiện hành vi trên trong lúc một người đàn ông đứng quay clip. Theo xác nhận của Giám đốc sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) thì vụ việc xảy ra vào tối 11/8. Sau khi clip được phát tán, phía sân bay đã kiểm tra camera an ninh và xác định danh tính của hành khách để xem xét xử lý theo quy định.

Trước đó không lâu, một nữ hành khách cũng bất chấp vi phạm quy định đi lại trong khu vực hạn chế khai thác tại sân bay tạo dáng trên đường băng sân bay sân bay Phú Quốc để quay Tik Tok.

Còn cách đây vài hôm (10/8), UBND huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định xử phạt hành chính N.Đ.T. (21 tuổi) và P.T.B. (25 tuổi) tổng số tiền 30 triệu đồng về hành vi tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ. Trước đó, Công an xã Thanh Vân phát hiện một tài khoản Facebook đăng tải bức ảnh thanh niên đang đứng một mình trong tư thế 2 tay bị còng. Bài đăng có chú thích "Đời du côn ngại chi tù tội - Kiếp phong trần chẳng ngại gió sương”. Công an xã Thanh Vân đã mời chủ tài khoản là anh N.Đ.T. đến trụ sở để làm việc. Tại đây, anh T. khai nhận đã mượn còng số 8 của anh P.T.B. để chụp ảnh và đăng tải với mục đích "vui vẻ".

N.Đ.T đăng ảnh bị khóa tay bởi còng số 8 lên Facebook (Ảnh: Công an Vĩnh Phúc).

Công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển đã giúp mọi người có nhiều thông tin và kết nối, chia sẻ với nhau dễ dàng. Nhưng cùng với đó, mạng xã hội có những mặt trái khiến nhiều người sa đà, suy nghĩ lệch lạc, ảo tưởng về giá trị bản thân.

Có lẽ một phần do việc tìm kiếm sự nổi tiếng chưa bao giờ lại dễ dàng như thế. Nhiều bức ảnh, clip, status đăng lên trên mạng xã hội, đặc biệt trên Facebook, Tik Tok, Youtube, Twitter… chỉ sau một thời gian ngắn đã có hàng ngàn like, share và chủ nhân bỗng trở nên nổi tiếng. Hoặc nếu không nổi tiếng thì những like, comment “có cánh” cũng làm cho tâm trạng chủ tút “thăng hoa”.

Trên mạng xã hội, trong khi nhiều người phân biệt được giữa giá trị “ảo” và “thật” của những like, share thì cũng có người sa đà chìm đắm trong những like, comment... mà không lường hết hậu quả nguy hại đối với bản thân.

Có lẽ vì thế, có một thời gian gần như không người trẻ nào không biết đến nhân vật “làm mưa, làm gió” trên mạng xã hội là Khá Bảnh. Khá Bảnh đăng những hình ảnh, clip cổ súy lối sống thiếu lành mạnh, đốt xe máy đắt tiền… nhưng lại được nhiều người trẻ like, share, cổ vũ và học theo mà không ý thức được những clip giật gân, gây sốc như thế được làm ra với mục đích kiềm tiền.  Rồi đến khi Khá Bảnh bị bắt và bị kết án hơn 10 năm tù thì mới lộ diện là tên phạm tội cầm đầu tổ chức đánh bạc, cho vay lãi...

Đáng ngại, “sống ảo” trên mạng xã hội hiện nay lại đang là trào lưu ở nhiều người, nhất là đối với người trẻ. Họ đã tốn rất nhiều thời gian để “sống ảo” trên mạng với những like, comment, thậm chí bất chấp cả quy định của Pháp Luật để “check in sống ảo” như trường hợp các cô gái nhảy lên băng chuyền, tạo dáng trên đường băng để quay clip, hay thanh niên đeo còng số 8 để chụp ảnh tung lên mạng… Có người chỉ vì một tấm ảnh “check in sống ảo” để “nuôi phây” mà mất mạng sống như hai vợ chồng anh Ngô Trí H. check in “sống ảo” (tại suối Mường Hoa, chảy qua thôn Tà Chải Mông, xã tả Van, thị xã Sa Pa) không may bị trượt chân, rơi xuống suối. Sau đó người vợ may mắn được cứu sống, nhưng người chồng thì không bao giờ trở về.

Có thể thấy, “sống ảo” trên mạng đang để lại khá nhiều hệ lụy, nhất là với người trẻ. Nó không chỉ làm cho người con người ta mất thời gian, ảo tưởng về bản thân khi được tung hô trên mạng, làm mất đi định hướng về tương lai. Mà hơn thế, nó còn làm cho nhiều người có suy nghĩ, hành động lệch lạc, vô cảm, thậm chí phạm tội.

Thế nên, nếu không kịp thời có những biện pháp thiết thực đối với nạn “sống ảo” thì chắc chắn hệ lụy của nó ngày càng trở nên nghiêm trọng. Để làm được việc này, trước hết, các tổ chức, gia đình và trường học phải là người đồng hành cùng người trẻ, giúp họ nhận thức được những giá trị đúng đắn, tốt đẹp, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội cũng như hiểu biết về Pháp Luật.

Nhưng quan trọng hơn là bản thân mỗi người phải tự xác định điểm dừng trên mạng xã hội, không nên quá đà mà phải có giới hạn. Hãy dành nhiều thời gian cho những kế hoạch, công việc, trải nghiệm thực tế cũng như học hỏi, tích lũy tri thức cho tương lai.

Khi mỗi người tự xác định chỉ có tri thức, trách nhiệm và sự chia sẻ với người thân, cộng đồng mới là giá trị thật, mới nâng cao giá trị bản thân, thì sẽ thấy rằng “sống ảo” chỉ là một "sân chơi, sân khấu" nho nhỏ trong cuộc sống. Nó tích cực hay tiêu cực tùy thuộc mỗi chúng ta "diễn" cái gì trên đó

New Volume Lash by Bonna Beauty: Sydney Best EyeLash Extension near Bankstown Revesby Campsie.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật