Người dân khu vực biên giới, biển đảo gồng mình trong  cơn “bão giá”

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thời gian qua, giá xăng dầu tăng nhảy vọt, các mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo. Người dân và doanh nghiệp khu vực này đang phải chật vật mưu sinh trong cơn “bão giá”.
Người dân khu vực biên giới, biển đảo gồng mình trong  cơn “bão giá”
Đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh giá cả tăng cao. Ảnh: Cẩm Linh

 

Tại xã biên giới An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, chúng tôi vô tình được chứng kiến bữa ăn của nhiều gia đình người dân tộc Khmer nơi đây trong thời “bão giá”. Một mâm cơm chỉ có rau, đậu, cá khô. Những món ăn mặn như cá, thịt thường được dành cho bữa ăn cuối tuần để cải thiện.

Chị Lư Yến Hạnh, xã An Phú cho biết, việc xăng tăng, gas tăng, sữa tăng, thực phẩm tăng khiến gia đình chị rất vất vả trong chi tiêu. Vì vậy, để đủ chi trả các khoản tiền trong cả tháng cho gia đình 5 miệng ăn, gồm hai vợ chồng và 3 con nhỏ, chị phải tính toán chi ly, cắt giảm mọi thứ sinh hoạt để bù lại tiền ăn uống hàng ngày.

“Bản thân tôi mở một tiệm may quần áo nhiều năm, nhưng thu nhập không cao. Gần đây, người dân chọn mua quần áo may sẵn nhiều hơn nên tiệm may của tôi khá ế ẩm, kéo theo thu nhập cũng giảm sút. Trong khi đó, chồng tôi làm ruộng, nhưng việc thu hoạch tính theo mùa vụ, giá thuốc trừ sâu, giống lúa tăng nên làm nông cũng chỉ đủ gạo cho cả nhà chứ không dư giả như trước. Chưa kể hiện nay, chúng tôi có 3 con còn nhỏ (8 tuổi, 5 tuổi và 2 tuổi) nên mọi chi phí sinh hoạt đều tốn kém hơn. Tiền sữa, tiền ốm đau chữa bệnh, rồi tiền điện, nước, mỗi tháng chúng tôi phải chi khoảng 10 triệu đồng. Trong khi thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ khoảng 14 triệu đồng/tháng, nên lúc nào gia đình tôi cũng quay như chong chóng vì tính toán chi tiêu” - chị Lư Yến Hạnh than thở.

Tỉnh Gia Lai có 90km đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia, trải dài trên địa bàn 7 xã thuộc 3 huyện: Đức Cơ, Chư Prông và Ia Grai. Huyện Đức Cơ có hơn 40% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Giá cả các mặt hàng đều tăng khiến người dân vùng khó càng thêm lo lắng.
Ông Rơ Mah Chel, làng Krêl, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ sở hữu 2ha cao su, 1ha điều, 1ha cà phê và hơn 100 trụ tiêu. Ông chia sẻ, hiện nay, gia đình đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất vì giá xăng liên tục tăng, kéo theo các mặt hàng thiết yếu, vật tư nông nghiệp như phân bón tăng cao kỷ lục. Đầu ra của nông sản lại bấp bênh do vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Cũng vật lộn trong cơn “bão giá”, anh Nguyễn Văn Phương, nhân viên Công ty vận tải Ngọc Diệp - doanh nghiệp hoạt động ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn ngậm ngùi: “Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng, khiến các doanh nghiệp vận tải như chúng tôi đứng trước sự lựa chọn tăng giá cước, hoặc chấp nhận lỗ. Tăng giá cước hay không, tăng như thế nào cho phù hợp là vấn đề khiến doanh nghiệp đang phải đau đầu tính toán. Hiện, vận tải trên đường phải đóng phí đường bộ rất nhiều, tôi nghĩ, Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp để vượt qua khó khăn”.

Ở một diễn biến thông tin khác, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, hiện, cả nước có 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển, nhu cầu xăng dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, trong khi giá dầu di‌esel 0.05S - nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng 60,5% (ngày 25/12/2021 là 17.579 đồng/lít, đến ngày 20/6/2022 là 29.020 đồng/lít). Như vậy, chi phí nhiên liệu cho hoạt động khai thác thủy sản tăng thêm khoảng 3.776 tỷ đồng/tháng. Chi phí nhiên liệu thường chiếm 45-60% tổng chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá, tùy nghề. Nhiên liệu tăng khiến giá các mặt hàng phục vụ hoạt động khai thác thủy sản cũng tăng khoảng 10-15%, kéo chi phí đầu vào tăng 35-48%, trong khi giá bán hải sản tăng không đáng kể.

Giá xăng tăng cao, tàu cá nằm bờ kín sông Cà Ty, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Quốc Việt

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số tàu cá ngừng sản xuất, không thường xuyên hiện diện trên các vùng biển còn ảnh hưởng đến việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quốc gia. Tình trạng này cũng tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam cho biết: “Việc giá xăng dầu quốc tế tăng dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, chúng ta có các loại thuế đánh trên xăng dầu, gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường cũng như các loại phí khác. Các loại thuế, phí này chiếm hơn 40% trong mỗi lít xăng, khi giá xăng dầu tăng thì các loại thuế, phí này cũng góp phần đẩy giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng mạnh”.

“Vì vậy, để tránh tác động giá xăng tăng mạnh như hiện nay, Nhà nước nên chuyển từ thuế, phí tính theo phần trăm sang xác định bằng con số tuyệt đối. Có nghĩa là Nhà nước xác định khoản thu thuế, phí bằng con số cụ thể, chứ không tăng, giảm theo tỷ lệ phần trăm nữa và chỉ để giá xăng dầu bán lẻ thay đổi theo giá thế giới. Điều này vừa giúp Nhà nước đảm bảo nguồn thu ngân sách, đồng thời giúp kéo giảm giá xăng dầu xuống” - ông Trần Thanh Hải khẳng định.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để đối phó với tình trạng “bão giá”, Nhà nước cần tính toán, có sự hỗ trợ về lãi suất cho các ngành kinh tế chủ lực để làm “tấm đệm” giảm sức ảnh hưởng của giá nhiên liệu đầu vào, hoặc trợ giá nhiên liệu cho các ngành vận tải công cộng để giảm giá thành vận chuyển. Đồng thời, cần đẩy nhanh xây dựng đường cao tốc, hạ tầng đường sá tốt hơn để rút ngắn cung đường vận chuyển, giảm tiêu hao nhiên liệu cho ngành vận tải, qua đó, giảm tác động tiêu cực của cơn “bão giá” hiện nay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật