Bí ẩn những ngôi nhà mái gỗ của người Mông Tây Bắc

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong cộng đồng dân tộc Mông, ngoài phong tục, tập quán và lễ hội truyền thống đặc sắc thì kiến trúc của những ngôi nhà mái gỗ cũng độc đáo không kém.
Bí ẩn những ngôi nhà mái gỗ của người Mông Tây Bắc
Huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái là nơi có cộng đồng người Mông định cư nhiều nhất, người Mông định cư nơi đây từ bao đời nay, sống trên những lưng chừng núi.

Với đồng bào người Mông nơi đây, dựng nhà là công việc trọng đại của đời người. Lúc hoàn thành ngôi nhà không quan trọng bằng lúc khởi công. Ngày dựng được các thầy mo định chọn, gia chủ mời anh em họ hàng đến dự lễ chúc mừng và cùng giúp đỡ nhau bắt tay vào công việc.

Đối với người Mông, ngôi nhà dù to hay nhỏ cũng sẽ theo mình đến suốt cuộc đời nên rất hiếm khi thấy người Mông phá bỏ ngôi nhà cũ dựng nhà mới bởi trong ngôi nhà ấy chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa tâm linh trừ khi nhà bị ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn.

Kiến trúc ngôi nhà người Mông dù to hay nhỏ nhưng đều phải có đủ 3 gian được sắp xếp theo thứ tự gian đầu, gian giữa và gian cuối. Các tấm lợp và mái nhà hầu hết được sử dụng bằng loại gỗ có dầu như sa mu, pơ mu nhằm giữ nhiệt. Đây chính là nét đặc trưng dễ nhận biết nhất mỗi khi đặt chân đến bản làng người Mông.

Gỗ sa mu, pơ mu vừa giúp họ vượt qua được cái lạnh mùa đông và mát mẻ vào mùa hè nóng nực, đồng thời vừa sử dụng được hàng chục năm trời.

Ta dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà lợp bằng mái sa mu của người Mông đã lên rêu mốc, ván gỗ cong vênh lên nhưng còn rất chắc chắn.

Trao đổi với PV, ông Lý A Thành (ở xã Lùng Cúng, huyện Mù Cang Chải) cho biết: “Ngôi nhà này của nhà bố làm đã được 20 năm rồi, bây giờ vẫn nguyên vẹn và chưa thay lần nào".

Nhà của đồng bào Mông nơi đây thường làm 2 cửa, một cửa ở gian chính và một cửa đặt ở bếp và không có cửa sổ. Cánh cửa của ngôi nhà luôn được mở vào trong để thuận lợi trong việc lúc đứng trong nhà mở ra đóng lại nhanh chóng. Nếu không có việc quan trọng hoặc có khách quý ghé thăm, cánh cửa chính luôn luôn được đóng kín, mọi người chỉ ra vào bằng cánh cửa bếp.

Với đồng bào Mông, trong quá trình làm nhà, cột cái nhà là vật thờ quan trọng trong gia đình người Mông. Cột cái ấy là nơi nương náu linh hồn của tổ tiên người Mông nên ngoài chủ nhà ra thì không ai được phép đụng vào nó. Kể cả con cái hay phụ nữ trong gia đình nếu vô tình đập phải chiếc cột ấy cũng phải thắp hương, thịt con lợn, con gà làm cúng để mong ông bà tổ tiên mình thứ lỗi cho hành động vô lễ ấy.

Theo thời gian và sự phát triển của đời sống xã hội, một số ngôi nhà người Mông ở Tây Bắc hiện nay đã không còn giữ được những kiến trúc truyền thống vốn có. Tuy nhiên, hiện nay nhiều khu du lịch, homestay đang khôi phục lại giá trị truyền thống văn hoá này và trở thành một điểm đến du lịch thu hút đông đảo du khách tham quan.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật