Phi vụ triệu đô’ Hàn Quốc thất bại vượt qua cái bóng của bản gốc

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù đã rất nỗ lực trong việc bản địa hóa và thêm thắt các chi tiết mới lạ, Phi vụ triệu đô bản Hàn (Money Heist: Korea - Joint economic area) vẫn khó lòng chạm đến độ bi tráng và cuốn hút mà phiên bản gốc của Tây Ban Nha đã làm được.
Phi vụ triệu đô’ Hàn Quốc thất bại vượt qua cái bóng của bản gốc
Phi vụ triệu đô phiên bản Hàn Quốc đã chính thức lên sóngNETFLIX

Những thay đổi đáng khen

Phi vụ triệu đô Hàn Quốc (tựa gốc: Money Heist: Korea - Joint economic area) là phiên bản “remake” của bộ phim đình đám cùng tên đến từ Tây Ban Nha. Từ 2018-2021, Money Heist (tựa gốc: La Casa de Papel) từng là một trong những tựa phim chủ chốt làm nên sự “bành trướng” của nền tảng Netflix, được khán giả toàn cầu say mê ngóng chờ. Ý tưởng về vụ cướp điên rồ, tinh vi diễn ra tại xưởng in tiền Hoàng Gia Tây Ban Nha đã làm nên một cơn địa chấn trong lĩnh vực phim truyền hình.

Không những được lòng khán giả đại chúng, Money Heist còn được giới phê bình đánh giá cao nhờ cốt truyện tinh vi, ken đặc những pha hành động đỉnh cao và bám rất sát vào bối cảnh xã hội xứ sở bò tót. Đây cũng là loạt phim không nói tiếng Anh được xem nhiều nhất trên Netflix. Chính vì vậy, khán giả đã đặt rất nhiều kì vọng khi Hàn Quốc tuyên bố sẽ làm lại loạt phim đình đám này.

Ra mắt hôm 24.6, chỉ sau 3 ngày, Phi vụ triệu đô Hàn Quốc đã vào top 10 phim thịnh hành tại 51 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đến nay, tác phẩm nhanh chóng vươn lên đứng vị trí số 1 trong top 10 phim không nói tiếng Anh được xem nhiều nhất trên Netflix, tổng giờ xem của khán giả lên đến 33,7 triệu giờ.

Phục trang, bối cảnh, vũ khí được đầu tư công phu không thua kém bản gốc

Không thể phủ nhận, khi tiếp nhận một kịch bản đặc sệt tinh thần, bản sắc Tây Ban Nha, đội ngũ làm phim người Hàn Quốc đã có những sự biến tấu khôn ngoan để làm đậm các giá trị bản địa. Không lấy bối cảnh thực tế như Tây Ban Nha, ê-kíp Hàn Quốc đã chọn đặt câu chuyện vụ cướp thế kỉ vào trong một không gian xã hội giả tưởng, có vị trí địa lý và ý nghĩa chính trị vô cùng độc đáo: Vùng kinh tế chung Nam - Bắc Hàn.

Xưởng in tiền thống nhất là mục tiêu của vụ cướp thế kỉ

Băng cướp của bản Hàn quy tụ những thiên tài bất hảo đến từ cả hai miền Nam, Bắc Hàn

Toàn bộ sự việc được diễn ra vào năm 2025, khi Hàn Quốc và Triều Tiên không còn chiến tranh và đang trên đà thống nhất. Mà bước đi đầu tiên thể hiện quyết tâm này chính là sự thành hình của một vùng kinh tế chung đặt giữa hai quốc gia. Nhưng với sự khác biệt quá xa về tư tưởng chính trị, kinh tế, căn cốt con người, vô số vấn đề xã hội đang ngấm ngầm diễn ra. Những người giàu lại càng thêm giàu, và những số phận dưới đáy xã hội vẫn tuyệt vọng tìm kiếm cơ hội đổi đời ở miền kinh tế chung. Và đó cũng chính là lý do mà Xưởng in tiền thống nhất trở thành mục tiêu của vụ cướp thế kỉ, được cầm đầu bởi Giáo sư (Yoo Ji Tae).

Có thể nói, ý tưởng về một vùng kinh tế chung giữa Nam - Bắc Hàn đã đặt ra một tiền đề cực kì thú vị cho bộ phim. Để những mẫu thuẫn xã hội, phân hóa giàu nghèo trở thành nguồn cơn cho hàng loạt các xung đột diễn ra xuyên suốt vụ cướp. Bên cạnh đó, xuất thân, quá khứ của một số nhân vật trong bản remake cũng đã được tinh chỉnh để phù hợp hơn với người châu Á, đặc biệt là hai nhân vật “đinh” của loạt phim - Tokyo và Berlin. Thay vì xuất thân trộm cướp lành nghề như Tokyo của bản gốc, Tokyo của Hàn Quốc là một cựu quân nhân vỡ mộng với cuộc sống tồi tàn, bị khinh miệt ở khu vực kinh tế chung. Trong khi đó, Berlin là người Bắc Triều Tiên trốn thoát khỏi trại lao động cải tạo đầy tàn bạo.

Bộ phim có nhiều chi tiết được bản địa hóa khá khéo léo

Đặc biệt hơn cả, chiếc mặt nạ Dali trứ danh của bản gốc đã được thay thế bằng mặt nạ Hahoe truyền thống của xứ sở kim chi, vốn thường được dùng để ẩn danh chỉ trích và châm biếm các thói xấu trong xã hội. Như vậy, chúng đều thỏ‌a mã‌n ý đồ lan tỏa thông điệp về sự phản kháng và niềm tự hào dân tộc. Không những vậy, hàng loạt các tiểu tiết trong Money Heist: Korea- Joint economic area cũng đã được kì công biến hóa sao cho làm bật được văn hóa Hàn Quốc. Như cách mà Tokyo lén nghe nhạc BTS, hay mâm cơm đầy đủ 3 món không thể thiếu kim chi dành cho các con tin trong xưởng in tiền…

Kém ’nhiệt’ vì tiết tấu chậm, diễn viên nhạt nhòa

Money Heist: Korea - Joint economic area có thể là một bộ phim giải trí khá ổn dành cho những ai chưa thưởng thức qua La Casa de Papel. Tuy nhiên, nếu ai đã từng say mê “huyền thoại” phim truyền hình Tây Ban Nha này thì Phi vụ triệu đô Hàn Quốc đơn thuần chỉ là một bản sao nhạt nhòa.

Bên cạnh một số thay đổi đã nêu trên, các tình tiết và diễn biến câu chuyện phần lớn đều được giữ nguyên. Fan của loạt phim này đương nhiên đánh mất đi thú vui của sự tò mò vì đã biết trước cốt truyện. Song, cách dựng phim chậm rãi, đi sâu vào lời thoại nhân vật đôi lúc khiến cho bầu không khí trở nên trì trệ. Tập đầu tiên của Money Heist: Korea - Joint economic area lại không tạo được sự hưng phấn và sửng sốt cho người xem như cách mà La Casa de Papel đã làm được. Thế nên, nó càng khó để níu chân những khán giả cũ ở lại với phiên bản remake.

Sự dàn trải là điểm yếu của mùa 1 Money Heist: Korea- Joint economic area

Tính bi tráng, ráo riết đến nghẹt thở của loạt phim gốc chưa được làm sáng trong bản Hàn

Hệ thống nhân vật độc đáo, toàn “quái kiệt” là yếu tố quan trọng làm nên sức hút của Phi vụ triệu đô. Thế nhưng, bản Hàn lại làm mất đi sự đặc sắc của các nhân vật này. Họ tương tác hời hợt và gây cảm giác như ai cũng đang giữ kẽ, chưa bộc lộ được cái điên và sự liều mạng của những con người đi cướp để thể hiện thái độ phản kháng bất công xã hội. Trong dàn nhân vật, dường như chỉ có Tokyo và Berlin là mang sắc thái mới lạ, tạo được thiện cảm cho khán giả.

Park Hae Soo có màn trình diễn khá ấn tượng trong vai Berlin

Dưới sự thể hiện của “quái nữ” Jeon Jong Seo, Hàn Quốc thực sự đã có riêng cho họ một hình tượng Tokyo đặc sắc. Dù không quyến rũ bốc lửa như Ursula Cobero nhưng Jeon Jong Seo vẫn thể hiện tốt được phong thái ngạo mạn, gan lì của nhân vật đằng sau vẻ ngây thơ, mỏng manh. Đáng tiếc, mùa 1 của Phi vụ triệu đô bản Hàn dường như triệt tiêu gần hết “phản ứng hóa học” và những màn tương tác đầy cuồng nhiệt giữa Tokyo và Rio. Kết quả, Tokyo cứ như một người mẹ của chàng thiên tài tin học.

Jeon Jong Seo là sự lựa chọn hoàn hảo cho vai Tokyo. Trước Money Heist, cô từng gây ấn tượng mạnh qua các vai diễn trong phim Burning, The call

Giáo sư lại là nhân vật gây thất vọng nhất trong Money Heist bản Hàn

Khác với phiên bản Berlin hào hoa phong nhã của Pedro Alonso, Park Hae Soo đã diễn giải ra một Berlin cực đoan và khắc khổ hơn. Nhờ vậy, những pha thao túng, lộng quyền của nhân vật này trong phim cũng phần nào tạo được điểm nhấn cho toàn bộ cốt truyện. Có lẽ đây là nhân vật được “thay da đổi thịt” nhiều nhất so với phiên bản gốc.

Giáo sư - nhân vật linh hồn của tác phẩm Phi vụ triệu đô lại là nhân vật gây thất vọng nhất trong phiên bản Hàn Quốc. Yoo Ji Tae là nam diễn viên gạo cội của Hàn Quốc nhưng lại không hợp vai chút nào. Anh hoàn toàn đánh mất nét thông tuệ và sự quyến rũ của một quý ông đã khiến cho nữ thanh tra của phe địch phải đổ gục. Sau 6 tập phim, đọng lại ở nhân vật này chỉ là hình ảnh của một người đàn ông nhạt nhòa. Ngoài ra, nhân vật Nairobi của Jang Yoon Ju cũng nhận vô số lời chê bai từ khán giả khi cô diễn xuất quá “màu mè” và luôn tỏ vẻ nguy hiểm không cần thiết.

Jang Yoon Ju trong vai Nairobi

Money Heist: Korea - Joint economic area cũng thiếu đi một bài hát chủ đề đóng vai trò biểu tượng cho tác phẩm như cách mà Bella Ciao đã đi sâu vào tâm thức người hâm mộ La Casa de Papel. Nhìn chung, mọi cảm xúc ở phiên bản Hàn chỉ dừng ở mức lưng chừng, không có sự vỡ òa, ráo riết và bi tráng tinh hoa của loạt phim gốc. Sáu tập phim tiền đề của Phi vụ triệu đô bản Hàn trôi qua chỉ ở mức an toàn. La Casa de Papel đã quá trọn vẹn, quá vĩ đại. Vì vậy, việc duy trì sức hút cho các mùa sau của Money Heist: Korea - Joint economic area thực sự sẽ là một thử thách khó nhằn dành cho các nhà làm phim xứ kim chi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật