Lời giải cho sự sống còn của doanh nghiệp giữa mùa dịch

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đầu tư vào chuyển đổi số là một trong những chiến lược hàng đầu của các doanh nghiệp để ứng phó trước những tác động của đại dịch COVID-19.
Lời giải cho sự sống còn của doanh nghiệp giữa mùa dịch
Tương ớt lên sàn thương mại điện tử để tìm lối ra mới. Ảnh: TH
ad@ contact us

Làn sóng thứ tư của dịch COVID-19 đã khiến hoạt động kinh doanh, vận tải, lưu thông hàng hóa của nhiều cá nhân và hàng triệu doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng. Đối mặt với tình trạng trên, nhiều DN đã tìm được “lối thoát hiểm” nhờ mạnh dạn đổi mới cách làm, nhất là chuyển đổi số.

Câu chuyện của nước mắm

Ông Trần Ngọc Dũng, người sáng lập Bảo tàng Làng chài xưa (Phan Thiết, Bình Thuận) và thương hiệu nước mắm Tĩn, kể trong thời điểm khó khăn vừa qua, có lúc DN của ông đứng trước lựa chọn: Tồn tại và phát triển tiếp hoặc là chết.

Trước dịch bệnh, Làng chài xưa là điểm du lịch thu hút rất đông khách, thậm chí vào mùa cao điểm, có đến 1.000-2.000 lượt khách tham quan một ngày. Khách đến đây không chỉ tham quan mà còn mua các sản phẩm nước mắm. Thế nhưng khi dịch bùng phát, doanh thu du lịch là con số 0 tròn trĩnh. Không có khách du lịch đồng nghĩa với việc đầu ra sản phẩm nước mắm cũng mất, nhân viên thất nghiệp.

Để tìm lời giải cho bài toán hóc búa này, ngoài việc tiếp tục duy trì các kênh phân phối truyền thống bán lẻ, ông Dũng quyết định đưa nước mắm lên sáu sàn thương mại điện tử, trong đó chủ lực là bốn sàn Tiki, Lazada, Shopee và Sendo. Việc đưa sản phẩm nước mắm lên sàn giúp DN của ông tiếp tục trụ vững trong đại dịch.

“Doanh thu đạt được từ bán qua kênh này gần như lấp đầy và nhiều hơn khoản doanh thu bị hụt trong mảng du lịch. Từ việc chỉ chiếm chưa tới 10% doanh thu trong năm 2020, tới nay việc bán trên các sàn đã giúp nâng tổng doanh thu lên 30%” - ông Dũng nói.

Đáng chú ý, việc bán trên kênh thương mại điện tử giúp DN không mất quá nhiều chi phí như đầu tư cho kênh truyền thống, lại sở hữu nguồn khách hàng đồ sộ. Tuy vậy, nhà sáng lập thương hiệu nước mắm Tĩn cho rằng việc bán trên sàn không đơn thuần chỉ giới thiệu sản phẩm và người mua tự tìm đến mà quan trọng là người dùng còn được thấy và nghe về lịch sử nước mắm, cũng như cách làm nên sản phẩm này.

“Mỗi một sản phẩm chúng tôi có cách kể câu chuyện nước mắm của mình thông qua việc đăng tải video hoặc những hình ảnh về Làng chài xưa. Điều này sẽ giúp người mua lưu giữ được tên gọi, hình ảnh và trí nhớ về nước mắm, cũng như dấu ấn về bảo tàng nước mắm. Như vậy, ngay cả khi dịch bệnh qua đi, chắc chắn chúng tôi sẽ có thêm nhiều khách hàng mới cho cả du lịch lẫn sản phẩm” - nhà sáng lập Làng chài xưa tự tin.

Cú hích giúp nhà kinh doanh thay đổi cách làm

Tương tự Làng chài xưa, dự án Nhà của thời thanh xuân (Đà Lạt) vốn là nơi tạo công ăn việc làm, xây dựng một cộng đồng để giúp các bạn khiếm thính cùng trau dồi và phát triển năng lực thông qua hoạt động sản xuấ‌ּt tin‌ּh dầu và xà phòng handmade.

Trước mùa dịch, Nhà của thời thanh xuân không kinh doanh trực tuyến mà chọn cách phát triển “hữu xạ tự nhiên hương”, chủ yếu bán cho du khách khi tới thăm Đà Lạt. Thế nhưng khi dịch ập đến, du lịch ngưng trệ, đơn vị này đối mặt với thử thách “phát triển hoặc đóng cửa”. Đứng trước lựa chọn sinh tử trên, ông Võ Thành Luân, người sáng lập dự án này, đã chọn con đường kinh doanh online để tiếp tục tồn tại và phát triển. Cuối cùng họ đã trụ vững trong đại dịch.

Là một DN non trẻ, Công ty Tương ớt Spico thừa nhận giãn cách xã hội kéo dài đã khiến đơn vị gặp khó khăn khi doanh thu sụt giảm tới 70% và xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn hàng trên kênh phân phối truyền thống. Tuy vậy, ông Lê Minh Cương, nhà sáng lập và điều hành Spico, nhìn nhận dịch bệnh gây nhiều thiệt hại nặng nề nhưng nhìn dưới góc độ tích cực, đây cũng chính là “cú hích” để công ty mạnh dạn và tập trung hơn trong việc chuyển đổi số, phát triển kênh mua sắm online.

“Trước đây, kênh phân phối chủ yếu của chúng tôi là các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị cao cấp trên khắp cả nước. Khi dịch bệnh xảy ra, tác động mạnh đến doanh thu trong thời gian dài, chúng tôi đã nhận ra cần phải tập trung đầu tư nghiêm túc cho kênh phân phối online và đa dạng hóa phương thức bán hàng. Bởi đó là cách để công ty nhỏ như chúng tôi có thể vượt qua dịch an toàn” - ông Cương chia sẻ.

Đừng để mất lợi thế sân nhà

Nhiều DN nhìn nhận diễn biến khó lường của dịch bệnh khiến họ buộc phải thay đổi cách vận hành để thích ứng và tồn tại. Đặc biệt, do tác động của dịch bệnh khiến hành vi của người tiêu dùng dần thay đổi khi chuyển từ hình thức mua sắm truyền thống qua mua sắm trực tuyến.

“Điều này đòi hỏi DN phải có sự đầu tư cho kênh trực tuyến bài bản như phát triển kênh bán lẻ truyền thống. Thực tế lâu nay không ai nghĩ rằng nước mắm sẽ bán được trên kênh thương mại điện tử nhưng giờ đây chúng tôi nhận ra rằng nước mắm không những bán được mà còn bán rất được bởi thói quen người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi. Theo tôi, bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào thì việc chuyển đổi số là điều bắt buộc, chứ không còn là nên hay cần suy nghĩ tới, nhất là trong thời điểm này” - ông Dũng nhấn mạnh.

Mặc dù tiềm năng là thế nhưng trong một khảo sát về lượng mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử do Iprice Group thực hiện cho thấy hàng hóa thương hiệu Việt lại chiếm chưa đến 20% mặt hàng bán chạy trên các sàn. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch sàn thương mại điện tử Sendo, cho rằng con số trên là sát thực tế, song điều này không có nghĩa là hàng Việt bị lép vế trước hàng ngoại nhập do kém chất lượng, do người tiêu dùng không ủng hộ. Nguyên nhân nằm ở chỗ nhiều công ty Việt vẫn chưa quan tâm đúng mức đến kênh này và chưa được tư vấn tốt về chuyển đổi số.

“Trong khi đó, với sự phát triển của bán hàng xuyên biên giới, hàng từ Trung Quốc và các nước khác đang dần chiếm lĩnh thị phần trực tuyến trong nhiều ngành hàng. So với hàng ngoại, hàng Việt trên kênh online đang đi sau 4-5 năm. Như vậy, DN Việt cần thay đổi chính mình để nhanh chóng bắt kịp thói quen tiêu dùng mới của người dân” - ông Dũng nhấn mạnh.•

 

Thích ứng nhanh hơn sẽ làm chủ cuộc chơi

Một nghiên cứu của Visa đã chỉ ra có đến 87% số người tiêu dùng Việt được khảo sát hiện đang sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà và 82% trải nghiệm dịch vụ lần đầu tiên từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng là động lực thúc đẩy DN phát triển năng lực kỹ thuật số và có những bước tiến sâu hơn vào lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo kết quả khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố cũng cho thấy chuyển đổi số là “cửa sáng” cho DN mùa COVID-19. Chuyển đổi số được coi là phao cứu sinh cho DN trước hàng loạt khó khăn, biến thách thức thành cơ hội. Bởi chuyển đổi số là cách để các DN giải quyết được những vấn đề từ việc đình trệ sản xuất, khó quản lý nhân viên cho đến việc phải tạm đóng cửa các cơ sở kinh doanh vì dịch bệnh.

 “Trong xu hướng chuyển đổi số, DN đi sau nhưng linh hoạt và thích ứng nhanh hơn sẽ làm chủ cuộc chơi, trong khi DN chậm đổi mới sẽ mất dần thị phần và bị đào thải khỏi thị trường” - báo cáo nhận định.

Nguồn Tin:
@ contact us
Video và Bài nổi bật