Mùa cây rừng trổ bông

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cầm trên tay, Quý nhận ra mùi hương phảng phất của giống lan Bạch hạc. Loài lan này trước đây trên những tán rừng mọc san sát, vậy mà giờ đây, để tìm được một giò như thế đã là việc khó khăn. Chúng được săn tìm để đưa ra phố bán. Quý se sẽ ngồi xuống trước bậu cửa phòng làm việc, màn đêm tĩnh mịch đến lạ, phía đằng xa những dãy núi chìm vào giấc ngủ trong ánh trăng mờ.
Mùa cây rừng trổ bông
Minh họa: Đỗ Dũng

Trước khi về công ty, người đầu tiên Quý tìm gặp là Nguyên. Nguyên từng là nhân viên Phòng Kế hoạch, bây giờ là nhân viên của Đội Bảo vệ rừng số 2 của công ty. Quý về Nguyên không vui. Cái thằng đến lạ. Quý về làm sếp thì sẽ được nâng đỡ, đáng ra nó phải hớn hở chứ. Đến cả Quý cũng ngạc nhiên.

- Gian nan đó ông ạ! Tôi không nói khó khăn ở địa bàn quản lý mà là ở con người! Ông còn nhớ lão Tốn không? Lão Tốn ròm ấy?

À, lão Tốn. Chính lão Tốn đã cho Quý một bài học nhớ đời thời còn chân ướt, chân ráo vào lâm trường. Ngày đó, khi hoàn tất báo cáo kiểm kê rừng của lâm trường, trong cuộc họp thống nhất rà soát con số cụ thể về diện tích đất rừng bị xâm canh, Quý đã đòi lấy số liệu chính xác là ba mươi héc ta đất rừng bị lấn chiếm. Mọi người lặng im, lão Tốn đã đập bàn quát, bảo "cái đồ con nít. Báo mất ba mươi héc ta đất rừng để cả lâm trường vô ngồi nhà đá à! Chỉ hơn một héc ta thôi, hiểu chưa?". Nhớ lại, Quý vẫn còn thấy hai tai nóng phừng phừng. Cái lão Tốn vậy mà vẫn ngồi ghế Giám đốc lâm trường những cả chục năm.

- Lão nghỉ, nhưng đàn em lão vẫn còn đó, không để cho ông yên ổn đâu!

Chết thật. Nguyên làm Quý buồn thật sự. Đâu rồi một Nguyên đầy chất hào sảng và trách nhiệm của tuổi trẻ. Đâu rồi một Nguyên luôn thẳng thắn, không ngại va chạm trong các cuộc họp để đấu tranh cho cái đúng. Chẳng lẽ Nguyên bây giờ cũng là một con người luôn nhìn trước, ngó sau, luôn biết nhẫn nhịn, thủ thế và giữ mình thế kia ư? Thế thì ở cái công ty này, Quý còn có thể tin tưởng, cậy nhờ vào ai được nữa.

- Chẳng phải là tôi ngán, nhưng thế lực của chúng mạnh lắm ông ạ! Mấy năm ông đi rồi, phải ẩn nhẫn lắm tôi mới có thể tồn tại được ở cái đất Quảng Sơn này đó ông!

Ừ. Không thể trách Nguyên. Nguyên bây giờ đã là một vợ hai con, còn phải lo, phải nghĩ cho cả những người thân yêu bên cạnh mình. Bảo vệ rừng bây giờ cũng là nghề nhạ‌y cả‌m. Chỉ cần chúng nó gài cho một quả là dính bẫy ngay. Mà đã liên quan đến việc để mất rừng hay dính dáng đến bọn lâm tặc là rất dễ đứng trước vành móng ngựa, chứ đừng nói chỉ đơn giản là mất cái nghề mưu sinh. Vậy chẳng lẽ Quý sẽ đơn thương độc mã ở cái công ty lâm nghiệp này? Chẳng lẽ Quý đang liều lĩnh đi vào chỗ hiểm nguy? Quý cần một người hiểu Quý, ủng hộ Quý. Mà cũng chẳng phải ủng hộ Quý, nói đúng ra là ủng hộ những chủ trương, chính sách đúng để từng bước đưa công ty đi vào nếp hoạt động quy củ và hiệu quả. Vậy mà khó lắm thay.

- Tôi nói là để ông hiểu tình hình nó như vậy! Ông đã quyết tâm, tôi ủng hộ!

Nói vậy còn được. Quyết định điều động Quý đã cầm rồi, không thể trả lại được nữa.

*

… Cả chục cây số từ trung tâm xã chạy thẳng vào trụ sở công ty đã được rải nhựa. Những hàng cây sao vẫn vẹn nguyên hai bên đường. Có những cây chắc hai người ôm không xuể. Quý thấy nôn nao đến lạ. Chẳng phải đây vẫn là con đường mà mấy năm về trước Quý vẫn đi sao? Có thể vẫn có những ai đó chưa hiểu Quý, chưa ưa Quý nhưng rồi họ sẽ hiểu. Có như thế, mọi việc mới xuôi chèo mát mái được chứ. Quý sẽ nói gì trong buổi đầu gặp gỡ toàn thể anh em đây? Quý đi một vòng quanh trụ sở. Chỉ thưa thớt vài ba xe máy đậu trong nhà xe. Phòng họp im ỉm đóng. Quý vội vã qua thêm mấy phòng nữa. Tất cả đều khóa, chỉ còn mỗi phòng văn thư. Mọi người đi đâu hết rồi? Quý đã thông báo qua điện thoại cho ông Phong - Phó Giám đốc rồi còn gì? Chẳng lẽ ông Phong lại không thông báo cho toàn thể công ty?

- Dạ! Văn bản của tỉnh bọn em đã nhận được rồi! Còn hôm nay anh xuống thì quả thật bọn em không biết? Cũng chẳng nghe sếp Phong nói gì!

- Thế ông Phong đi đâu em biết không?

- Dạ! Sếp Phong bảo có việc gia đình đột xuất đã về phố từ hôm qua!

- Thế đã bố trí phòng làm việc cho anh chưa?

- Dạ! Cái này thì em không biết, không nghe sếp chỉ đạo anh ạ!

Ánh mắt có phần ngại ngùng và xét nét của văn thư làm Quý như giảm bớt cơn tức giận trong người. Không thể trách văn thư. Hẳn đã có sự sắp đặt, lên kế hoạch từ trước. Buổi đầu tiên xuống nhận công tác với tư cách là Thủ trưởng đơn vị mà đã bị cho một vố bẽ bàng. Tự dưng Quý mỉm cười như nhạo báng với chính mình. Lời cảnh báo đây. Xác định tư tưởng trước đi. Thủ trưởng gì thì Thủ trưởng nhưng cũng chỉ có một mình thôi nhé! Thì đã sao? Cũng có thể chỉ là những suy diễn. Tình hình chưa nói lên điều gì hết. Biết vậy, Quý vẫn cảm thấy đắng ngắt nơi cổ họng khi nhấp ngụm trà.

Hôm tiếp theo, Quý cố tình đến sớm. Thật may mắn, cửa phòng họp đã mở. Văn thư niềm nở và đon đả hơn.

- Sếp Phong dặn hôm nay bàn giao công tác quản lý điều hành công ty cho anh nên bọn em đã chuẩn bị tài liệu đầy đủ! Lát sếp Phong qua ngay!

Lão Phong - Phó Giám đốc mấy tháng nay đang được tỉnh giao tạm quyền điều hành hoạt động của công ty trong lúc chờ người mới. Vẫn cái dáng bệ vệ và nụ cười luôn nở trên môi như ngày nào.

- À, sếp Quý! Chào mừng sếp trở lại với anh em!

Quý cũng cười. Cũng dễ có đến bảy, tám năm Quý mới gặp lại lão.

- Hôm qua tôi có việc đột xuất quá nên phải về phố! Xong việc phải đón xe xuống đây cả đêm để sáng nay bàn giao lại nhiệm vụ quản lý điều hành cho sếp! Nói thực với sếp, từ khi tạm quyền thay ông Tốn điều hành công ty, cố gắng hết sức cho tròn vai để chờ sếp về thôi!

- Mọi việc vẫn triển khai bình thường chứ anh nhỉ?

- Bình thường, bình thường. Một số nhiệm vụ quan trọng theo kế hoạch cần làm tôi vẫn chưa dám triển khai, mà phải chờ anh về đã!

Vậy là thằng Nguyên đã sai khi nhận định về lão Phong à! Hay là những lời nói rất mực khiêm nhường của lão đã làm mềm lòng Quý?

- Sếp à, nhà tôi có việc nên sau khi bàn giao xong, tôi cũng xin nghỉ phép!

Quý ngước lên nhìn thẳng vào mắt lão. Lão giật mình cười gượng gạo. Ừ, thì cứ để lão nghỉ, Quý cần một thời gian để nắm bắt lại toàn bộ tình hình hoạt động của công ty, từ công tác tuần tra bảo vệ đến những kế hoạch khoanh nuôi, tái sinh, phát triển rừng. Khi đã nắm chắc rồi, việc phối hợp điều hành, lãnh đạo sẽ dễ dàng hơn…

Quý phải có một phòng làm việc riêng. Điều đó là hiển nhiên. Thế nhưng phòng Giám đốc thì bấy nay lão Phong đã ở. Bây giờ lão đang nghỉ phép. Cán bộ văn phòng bảo "phải chờ sếp Phong, sếp còn cầm chìa khóa.". "Vậy cái phòng cũ của ông Phong đâu". "Phòng đó sếp Phong làm phòng ngủ và sinh hoạt". "Thế chả lẽ không còn phòng nào nữa". Cán bộ văn phòng im lặng. Đang trong cơn bực mình đến cùng cực, bên Trạm Bảo vệ rừng số 1 lại báo về, mới phát hiện dấu vết mấy vụ phá rừng lẻ tẻ ở tiểu khu 1680. "Ai sẽ đi thực địa cùng tôi?". Tất cả đều im lặng. Lái xe bảo: "Mùa mưa, xe máy còn cày không nổi huống hồ ôtô", cán bộ văn phòng bảo "không biết đường". Được, không ai đưa đi, Quý sẽ tự đi một mình.

Ở cái lâm trường này, còn chỗ nào mà Quý không rành đâu, chỉ là đường đi vào các lô, các khoảnh của các tiểu khu đã thay đổi. Nhưng không sao, khắc đi, khắc đến. Loay hoay gần cả ngày, Quý cũng đến được tiểu khu 1680. Cả khoảng rừng nguyên sinh, những thân gỗ cam xe bị lưỡi cưa xén ngang, nhựa còn ứa ra loang lổ cả gốc. Thân cây đã bị tuồn hết, chỉ còn lại cành lá vứt chỏng chơ gần bờ suối. Quý trân trân chết lặng và chỉ sực tỉnh khi có một bàn tay vỗ lên vai mình. Là Nguyên. Nhìn vào mắt Nguyên, Quý như chợt nhận ra Nguyên đã biết tất cả.

"Không phải lâm tặc đâu. Là đòn cảnh cáo tiếp theo đó. Ý chúng nói, ông chẳng là cái đinh gì ở đấy hết". "Thế này là sao hả Nguyên". Quý nằm ngửa trên thảm cỏ ngước nhìn lên. Những tán rừng bị xé toang để lộ cả khoảng trời chang chang nắng "Chíp chíp chíp!". Tiếng gì như tiếng con chim non lạc bầy đang khản giọng gọi tìm mẹ khi tổ của chúng đã bị dập nát bởi những lưỡi cưa phạt ngang cây.

Quý vẫn còn nhớ đã từng nêu ý kiến rất nhiều trong các cuộc họp ngành lâm nghiệp của tỉnh. Diện tích rừng trên thực tế đã hao hụt rất nhiều so với những con số báo cáo. Đó là chưa kể đất rừng mà các công ty lâm nghiệp quản lý bây giờ đang chồng lấn lên nhau, rồi người dân lấn chiếm đất rừng để canh tác. Bài toán về rừng và đất rừng phức tạp lắm, cần phải có sự rà soát, kiểm kê trên thực địa kỹ càng để tìm ra lời giải phù hợp. Việc giao khoán cho các công ty tư nhân đảm nhận bảo vệ, chăm sóc và sản xuất, kinh doanh rừng hoàn toàn không hiệu quả. Thậm chí chẳng có một chút lợi ích gì, chỉ dẫn đến rừng càng bị phá, đất rừng càng bị mất.

Quý đã nói sao nhỉ? À, giao hàng trăm héc ta rừng cho các công ty tư nhân chả khác gì đem một miếng thịt ngon cho con sói khát mồi. Nếu những công ty lâm nghiệp không quản lý, bảo vệ nổi, hãy chuyển giao cho các công ty quốc phòng quản lý, hay giao về cho từng hộ dân bảo vệ theo hình thức rừng cộng đồng. Quý đã từng khảo sát rất kỹ những mô hình rừng cộng đồng ở các buôn làng của đồng bào bản địa. Hằng năm dù chỉ với một số kinh phí dịch vụ môi trường rừng ít ỏi nhưng bà con vẫn giữ được rừng. Bởi với bà con, rừng không chỉ là nguồn sống, nơi để hái cây nấm, bẫy con sóc, bắt con cá suối mà hơn thế còn là cõi thiêng. Ở đó, thần rừng, thần suối, thần sông, thần núi vẫn luôn dõi theo, chở che và bảo vệ họ. Họ phải có nghĩa vụ gìn giữ lấy cái cõi tâm linh ấy như là mạch nguồn dưỡng nuôi nên cuộc đời họ.

Quý vẫn còn nhớ. Ý kiến phê bình Quý cũng nhiều, ý kiến chế nhạo Quý là chọn nhầm nghề cũng không ít. Lẽ ra nên làm một nhà nghiên cứu văn hóa hoặc là một thi sĩ đi tìm kiếm nguồn cảm hứng sáng tác từ rừng xanh thì hay hơn. Nhưng Quý biết, họ phê bình Quý bởi Quý đã dám đụng chạm đến lợi ích mà họ có thể kiếm chác được qua kẽ hở của chính sách chuyển đổi chủ rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, kinh doanh đất rừng.

*

…Quý nhớ lại lời Nguyên: "Tôi hơi lo ông ạ. Bọn chúng dường như đã canh chừng tôi. Nhất là từ lúc ông bổ nhiệm tôi làm Trạm phó bảo vệ rừng số 2. Tôi có cảm giác như chúng đang âm thầm làm việc dưới bàn tay của ai đó chỉ đạo từ xa". Quý cũng để ý, dạo này lão Phong lấy cớ cùng anh em tuần tra bám địa bàn nên đi rừng liên tục. Mà lão đã đi y rằng mấy tay lãnh đạo Phòng Quản lý, Bảo vệ rừng và Phòng Kế hoạch cũng đề xuất được đi cùng để nắm bắt thực tế. Phải chăng chúng đang ủ mưu để làm một mẻ lớn.

"Ông nghe nói đến công ty Sinh Lợi chưa?". À, công ty này thì Quý còn lạ gì nữa. Cái công ty của vợ nguyên là sếp tỉnh chứ gì? Hiện đang được giao quản lý, bảo vệ kinh doanh hàng trăm héc ta rừng và đất rừng ngay công ty lâm nghiệp củ‌ּa qu‌ּý chứ đâu! "Nghe nói, tỉnh sắp giao một phần đất rừng của công ty mình sang cho Sinh Lợi đó ông ạ!". Chuyện này thì Quý có nghe. Quý có hỏi Phó chủ tịch tỉnh rồi. "Đúng, tỉnh đang xem xét". Ừ thì cứ cắt bớt cho Sinh Lợi, giảm bớt gánh nặng cho công ty Quý.

Hai mươi lăm con người quản lý, bảo vệ cả một diện tích rừng lớn như thế quả thật chẳng dễ dàng gì. Mấy năm nay, công ty đã phải tự chủ. Kinh phí hoạt động gần như chỉ dựa vào mỗi năm dăm ba tỷ bạc từ phí dịch vụ môi trường rừng. Nếu công ty nào đủ năng lực để quản lý, bảo vệ thì cứ tham gia. Cái mà Quý lo nhất vẫn là sự lợi dụng chính sách để khai thác rừng bừa bãi theo hình thức tận thu, sau đó lại âm thầm mua bán. Khi đó không những rừng không giữ nổi mà đất rừng cũng mất theo. "Này ông ạ! Tôi nghe phong thanh rằng lão Phong có cổ phần trong Sinh Lợi". Quý cảm thấy hơi lạnh như phả sau gáy.

Quý quay xe trở lại cơ quan vì sực nhớ bỏ quên giò lan rừng khi trời đã chuyển bóng đêm. Thằng con nhà Quý, dù bệnh tật đi lại rất khó khăn nhưng mê lan rừng. Hồi sáng khi tạt qua công ty, Nguyên đã kiếm được giò lan rừng bảo đưa về cho cháu. Sáng mai Quý phải đi công tác cả một tuần. Quý không thể là người cha vô tâm, đến cả giò lan rừng cho đứa con đang ốm đau cũng quên được.

Cầm trên tay, Quý nhận ra mùi hương phảng phất của giống lan Bạch hạc. Loài lan này trước đây trên những tán rừng mọc san sát, vậy mà giờ đây, để tìm được một giò như thế đã là việc khó khăn. Chúng được săn tìm để đưa ra phố bán. Quý se sẽ ngồi xuống trước bậu cửa phòng làm việc, màn đêm tĩnh mịch đến lạ, phía đằng xa những dãy núi chìm vào giấc ngủ trong ánh trăng mờ.

Đột nhiên điện thoại đổ chuông. Là Nguyên, giọng nói như đứt quãng.

- Ở tiểu khu 1520 đang phá rừng! Ông mau gọi lực lượng chức năng đến! Tôi, tôi đang bị đuổi đánh…

Quý cố hít một hơi thật dài. Chúng ra tay chính ngay vạt rừng nguyên sinh ở tiểu khu 1520, nơi Trạm Bảo vệ số 2 của Nguyên đang trực chốt, không cách xa trụ sở công ty là mấy. Quý lập tức gọi báo kiểm lâm địa bàn cùng lãnh đạo xã, đề nghị đưa lực lượng có mặt ngay tại hiện trường sớm nhất có thể. Tại hiện trường, lố nhố những đám người đang hối hả chuyển những thân gỗ cuối cùng lên xe kéo. Nhận ra Quý, chúng đứng sững lại.

- Đề nghị lực lượng chức năng bắt giữ người, tịch thu tang vật.

Quý hô lớn. Những tên lâm tặc không thể manh động nữa, bởi xung quanh chúng, công an, kiểm lâm đã vây chặt. Một tên dường như Quý đã gặp đâu đó trong một vài lần đi tuần tra rừng tiến lại thét vào mặt Qúy.

- Hừ! Mày ăn tiền rồi còn bắt chúng tao là sao! Khốn nạn đến thế kia à? Chúng tao bị bắt, mày cũng không thoát tội được đâu?

Một tia lửa như xẹt qua mắt Quý.

- Thằng khốn, tao ăn tiền mày lúc nào!

- Về mà hỏi vợ mày!

Quý nghe lùng bùng bên tai tiếng chửi thề, quát nạt. Có chuyện đó thật chăng?

*

…Vợ Quý như lảng tránh ánh nhìn củ‌ּa qu‌ּý. Không, Quý phải hỏi, có thật không, có thật là có cầm tiền của chúng nó không?

- Có!

- Bao nhiêu?

- Không biết! Thấy một cục?

- Trời ơi! Cô điên rồi, sao lại nhận tiền của bọn lâm tặc?

Lần này thì vợ Quý quay ngoắt lại hét vào mặt Quý.

- Ông thấy có khốn nạn không? Con ông sắp chết rồi, mà ông thì cứ viển vông đâu đâu, đến cả tiền cũng không có mà chạy chữa cho nó!

Bốp! Bàn tay Quý vung lên. Vợ Quý ôm mặt rũ xuống.

- Ông giết tôi luôn đi! Tôi cũng không thiết sống nữa. Con cái bệnh tật, nợ nần chồng chất. Ông ngồi đó mà sĩ. Cha mẹ ông đặt tên ông là Phú Quý. Phú Quý gì ông, bần hàn thì có! Chính ông, chính ông, không ai cả! Chính ông đang tước đi mạng sống của con ông!

Thằng bé len lén cuộn tròn vào tấm chăn mỏng. Cái thằng mới hôm nào còn suốt ngày nghịch ngợm, nói cười nay đã rũ như tàu lá úa thế này ư? Quý cũng tính rồi, phải cố vay mượn đâu đó để chữa chạy cho con. Đợt tiêm truyền hó‌a chấ‌t vừa rồi, bác sĩ báo có tiến triển tốt. Phải kiên trì, phải tin, phải hy vọng. Nhưng muốn thế tất cả đều phải có tiền.

Mấy năm làm lâm trường, người ta cứ nghĩ nhà Quý gỗ lạt nhiều lắm. Nhưng nào có phải thế đâu. Quý mà dụng tâm kiếm chác gỗ lạt thì đâu còn là Quý nữa. Cái thời Quý làm lâm trường, những đợt khai thác gỗ theo chỉ tiêu đã hết. Dẫu thế, nhiều anh em vẫn tranh thủ kiếm được, bét ra cũng đủ để dựng căn nhà cho vợ con ở. Ấy vậy mà với Quý, đến cả cái ghế cũng chẳng có ngồi. Hồi cưới vợ, anh em trong lâm trường thương hoàn cảnh củ‌ּa qu‌ּý đã góp nhau đóng cho cái giường gỗ. Đến bây giờ, cái giường chính là tài sản lớn nhất của gia đình.

Quý đánh một tiếng thở như đẩy những bực tức ra ngoài để lấy lại bĩnh tĩnh. Hèn chi mấy hôm, câu chuyện mà vợ nhỏ to đều liên quan đến rừng. Vợ bảo: "Người ta nói, anh làm sếp, quản lý trong tay cả hàng chục ngàn héc ta rừng mà đến miếng gỗ làm cái ghế ngồi cho mát đít cũng chẳng kiếm ra. Họ bảo, hoặc là giấu nếu không thì là dở hơi cám lợn. Của trước mặt không nhặt, đến tay thằng khác nó cướp, khi đó trách ai. Có người nói, rừng trước sau gì cũng chuyển đổi, anh ngó lơ cho họ một tí. Họ cảm ơn".

Không? Vậy là vợ không hiểu trọng trách mà chính quyền đã giao cho Quý và cả cái công ty lâm nghiệp này rồi. Ai mà cũng ra sức tranh thủ thì thử hỏi máu thịt của rừng còn đâu? Nhà nước đổ biết bao tiền của để giữ lá phổi xanh cho đất nước chả lẽ cuối cùng là công cốc à. Công sức Quý, trách nhiệm củ‌ּa qu‌ּý nhà nước đã trả lương, dẫu không hậu hĩnh nhưng tùng tiệm thì vẫn đủ sống qua ngày. Chỉ là thằng con đột ngột bạo bệnh nên mới thành ra cơ sự này, nhưng Quý sẽ cố xoay xở. Quý không bao giờ để vuột mất báu vật quý giá nhất trên đời là đứa con củ‌ּa qu‌ּý đâu. Cứ tưởng vợ đã xuôi xuôi, nào ngờ.

Phải trả, nói đúng hơn phải nộp lại cho cơ quan chức năng. Đó không đơn thuần là nghĩa vụ, là trách nhiệm mà còn là liêm sỉ củ‌ּa qu‌ּý. Vợ vẫn rưng rức khóc. Quý đặt nhẹ đôi bàn tay lên vai vợ vỗ về. Vợ vùng vằng, lật đật đứng dậy chạy vào xó bếp. Quý vội bỏ cục tiền vào túi. Việc đã đến nước này, phải thật lòng báo cáo rõ sự việc, tiện thể ghé thăm Nguyên.

Nguyên đang nằm viện. Tội nghiệp cho nó. Khi xảy ra vụ phá rừng, cả Đội Bảo vệ số 2 đã bị lão Phong trực tiếp điều đi hết, chỉ để lại mình Nguyên. Cái anh bảo vệ lâm trường, như Nguyên từng chua chát rằng chả khác gì con chíp báo động cả. Nhiệm vụ của anh chỉ là tuần tra và báo cáo sự việc cho cơ quan chức năng. Bởi vậy, xảy ra phá rừng, anh không có quyền thu giữ tang vật, bắt giữ lâm tặc, mà chỉ có thể báo động. Không cẩn thận còn bị đe dọa mạng sống. Thì Nguyên đó. Một mình không chỉ bất lực mà còn bị đánh đập đến dập cả xương. Nhưng chí ít, Quý vẫn còn người để gửi gắm niềm tin về việc vẫn còn đó những cán bộ bảo vệ rừng làm việc vì trách nhiệm và lương tri. Quý chưa kịp khởi động chiếc xe máy vì tiếng đứa con trai.

- Bố lại vào rừng à?

- Ừ con. Bố đi công việc, lát bố về với con.

- Cho con đi với! Con muốn nghe tiếng chim hót trong rừng.

Gương mặt xanh xao đầy van nài của nó làm lòng Quý như mềm nhũn. Lâu lắm rồi, nó chẳng thể bước ra khỏi nhà để được nghe một tiếng chim hót, được thấy một đóa hoa dại nở ven rừng.

- Con có mệt lắm không?

- Không, con khỏe mà! Chỉ ở nhà như thế này mới mệt thôi!

Ừ! Tại sao Quý lại không thể để con trai mình có một chuyến trải nghiệm qua những lối nhỏ trong rừng được nhỉ. Nắng chảy tràn trên những tán cây sau trận mưa đêm. Bầy chim vút bay trên tầng không để lại những thanh âm lanh lảnh vọng vào tiếng róc rách của dòng suối nhỏ len lỏi quanh bờ đá. Thằng bé ngước lên vạt rừng trước mặt, những chiếc lá đỏ ối già nua đang rũ dần, một màu xanh non đang nhú lên, lấp lánh ánh lân tinh hớp lấy sương mai còn vương trên lá.

- Rừng đang trổ lá hả bố!

Quý mấp máy môi. Đúng rồi. Mùa này rừng đang thay lá để đón đợi những cơn mưa. Tầng lá ken dày dưới lối đi mà cha con Quý đã đứng sẽ ủ thêm một lớp dưỡng chất để cây nuôi thêm mầm lá mới. Quý thấy thương con đến lạ. Liệu trong c‌ơ th‌ể yếu ớt kia, có dòng nhựa sống nào có thể cuốn phăng đi bệnh tật để đem về cho con một sức bật mới, mạnh mẽ, căng tràn như mầm lá non tơ trên cánh rừng ngút ngát kia không? Hẳn là có. Quý tin điều đó. Điều tốt đẹp mà cả đời Quý vẫn tin.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật