Quốc hội thống nhất tổng mức vay trong 5 năm tới

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng nay (28/7), với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Quốc hội thống nhất tổng mức vay trong 5 năm tới
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 nă

Phấn đấu trần nợ công không quá 60% GDP

Theo đó, Quốc hội thống nhất, 5 năm tới, tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 8,3 triệu tỷ đồng, trong đó, từ thuế, phí khoảng 13 - 14% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 85-86% tổng thu ngân sách nhà nước.

Tổng chi ngân sách nhà nước khoảng 10,26 triệu tỷ đồng (tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28% (2,87 triệu tỷ đồng), tỷ trọng chi thường xuyên khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước).

Nghị quyết nêu rõ: Phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%, bội chi ngân sách nhà nước cho cả giai đoạn bình quân 3,7% GDP.

Quốc hội thống nhất tổng mức vay trong 5 năm tới là 3,068 triệu tỷ đồng. Trong đó, mức vay của ngân sách Trung ương khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng; tổng mức vay của ngân sách địa phương khoảng 148 nghìn tỷ đồng, mức vay của từng địa phương trong phạm vi giới hạn nợ theo quy định của Pháp Luật về ngân sách nhà nước; nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 35,3 nghìn tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh Chính phủ năm sau không vượt quá tốc độ tăng GDP danh nghĩa của năm trước, riêng hạn mức bảo lãnh cho hai ngân hàng chính sách tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm.

Hạn mức rút vốn ròng các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cả giai đoạn không quá 76,5 nghìn tỷ đồng và hạn mức rút vốn các khoản Chính phủ vay về cho vay lại không quá 222 nghìn tỷ đồng.

Quốc hội đặt ra mục tiêu, hằng năm, trần nợ công không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; trần nợ Chính phủ không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; trần nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP…

Về vấn đề này, trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu nêu, các chỉ tiêu trần nợ công của 2021-2025 cao hơn nhiều so với giai đoạn trước (khi cùng quy về cách tính trên GDP chưa điều chỉnh) và chưa tiến đến mục tiêu dài hạn theo tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị

Trước khi đại biểu bấm nút biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Nhân sách Nguyễn Phú Cường đã trình bày báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhu cầu vay nợ để tăng đầu tư là cần thiết cho giai đoạn tới, cũng như dự phòng các tác động phức tạp của đại dịch Covid -19.

Mức tỷ lệ "trần nợ công" cũng bảo đảm theo tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, và Chính phủ đã đề xuất thêm "ngưỡng cảnh báo" để đặt ra các mục tiêu thực hiện an toàn hơn.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút quyết biểu (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

Để bảo đảm an toàn nợ công, Quốc hội yêu cầu, "thường xuyên đánh giá những tác động của vay vốn đến dư nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ. Gắn kết tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ trả nợ trực tiếp từ ngân sách trong điều hành ngân sách nhà nước hằng năm. Trường hợp các chỉ tiêu nợ công chạm ngưỡng cảnh báo, Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình, giải pháp kiểm soát đặc biệt quản lý nợ công"

Nghị quyết của Quốc hội đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp lớn. Trong đó, yêu cầu chấp hành nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước; tiếp tục cơ cấ lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong nước, nước ngoài; triển khai công cụ quản lý nợ Chính phủ…

2 Chương trình mục tiêu quốc gia

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn; chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể, thống nhất 5 năm tới, tổng mức vốn đầu tư công trung hạn là 2,87 triệu tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương 1.500.000 tỷ đồng; địa phương là 1.370.000 tỷ đồng); dự phòng 10% vốn ngân sách trung ương để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn.

Trong tổng số vốn 2,87 triệu tỷ đồng, sẽ bố trí gần 65,8 nghìn tỷ đồng để thực hiện 3 dự án quan trọng quốc gia đã được quyết định chủ trương đầu tư (Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 1) và Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

Riêng Dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông giai đoạn 2021-2025, Quốc hội "chốt" bố trí hơn 38,7 nghìn tỷ đồng để đầu tư.

Quốc hội cũng thống nhất chủ trương phân bổ ngân sách cho Chương trình nông thôn mới tối thiểu hơn 196,3 nghìn tỷ đồng (vốn trung ương hơn 39,6 nghìn tỷ đồng; vốn địa phương 156,7 nghìntỷ đồng) để đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 15 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…

Với chương trình giảm nghèo bền vững bố trí tối thiếu 75 nghìn tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách Trung ương 48 nghìn tỷ đồng và địa phương hơn 12,6 nghìn tỷ đồng, huy động hợp pháp từ nguồn khác hơn 14,3 nghìn tỷ đồng) để đạt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật