Công bố nhiều tài liệu mật về chuyến bay vào vũ trụ của anh hùng Phạm Tuân

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kỷ niệm 40 năm chuyến bay vào vũ trụ của anh hùng Phạm Tuân, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã phối hợp cùng Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga ra mắt cuốn sách “Chuyến du hành vũ trụ lịch sử“. Trong đó, nhiều tài liệu mật được giải mã, đã lần đầu tiên được công bố.
Công bố nhiều tài liệu mật về chuyến bay vào vũ trụ của anh hùng Phạm Tuân
Cuốn sách “Chuyến du hành vũ trụ lịch sử“ chứa nhiều tài liệu mật được giải mã

Cuốn sách là tuyển tập những tài liệu, hình ảnh tiêu biểu kể về chuyến du hành vũ trụ của tàu Liên hợp – 37 đưa nhà du hành vũ trụ Liên Xô V.V. Gorbatko và nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam, anh hùng Phạm Tuân bay vào không gian.

Những tài liệu, hình ảnh này được lựa chọn từ các cơ quan lưu trữ và văn hóa của hai nước: viện Lưu trữ Lịch sử Chính trị Xã hội quốc gia Nga, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, một số tài liệu, tư liệu do nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân cung cấp…

Trong sách có một số tài liệu vừa giải mật, lần đầu tiên được công bố giới thiệu tới bạn đọc, cung cấp những thông tin, tài liệu có giá trị không chỉ đối với các nhà nghiên cứu về thành tựu khoa học kỹ thuật ý nghĩa nêu trên, về lịch sử quan hệ quốc tế, còn với tất cả những ai quan tâm đến lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam - Liên bang Nga.

Nội dung cuốn sách được bố cục thành 3 phần.

Phần 1 “Hợp tác nghiên cứu vũ trụ. Công tác chuẩn bị và quá trình huấn luyện trước chuyến bay năm 1980” giới thiệu những tài liệu, hình ảnh về quá trình chuẩn bị của hai nước Việt Nam – Liên Xô/Liên bang Nga và việc tuyển chọn phi công cho chuyến bay, cũng như quá trình nỗ lực tập luyện.

Phần 2 “Khởi hành và hoạt động” giới thiệu một số tài liệu, hình ảnh của các nhà du hành trong khoang tàu bên ngoài Trái Đất.

Phần 3 “Trở về Trái đất”, gồm hình ảnh hoạt động của các nhà du hành sau khi kết thúc chuyến bay, từ đó làm nổi bật giá trị, ý nghĩa của chuyến bay. Đó là mở ra thời kỳ mới, niềm tin, hy vọng, tự hào và quyết tâm trong đời sống, lao động sản xuất, học tập, cũng như chinh phục thiên nhiên, vũ trụ của con người.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước nhấn mạnh: "Cuốn sách cũng là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả nhiều năm liền của các cơ quan lưu trữ, cơ quan văn hóa hai nước đóng góp vào mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Nga - Việt. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để hai cơ quan Lưu trữ của Việt Nam và Liên bang Nga cùng chia sẻ phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ hiện đang bảo quản tại các kho lưu trữ của hai nước".

Ngày 23/7/1980, phi công Phạm Tuân cùng với nhà du hành vũ trụ Xô Viết Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz-37. Trong 8 ngày trên không gian, anh hùng Phạm Tuân đã thực hiện 142 vòng quỹ đạo quanh trái đất, tiến hành nhiều thí nghiệm khoa học, chụp ảnh Việt Nam từ quỹ đạo ttrái đất.

Hai ông Viktor Gorbatko (trái) và Phạm Tuân. Ảnh: AFP.

Trong một lần chia sẻ cùng các sinh viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, anh hùng Phạm Tuân cho biết, ông chỉ mất một năm ba tháng để chuẩn bị, gồm việc học kỹ thuật và tập thể lực, cho chuyến bay. Thời gian này được rút ngắn so với các phi công đến từ các nước khác, bởi trước đó ông là phi công lái máy bay quân sự chiến đấu.

Khi tàu vừa được phóng, người bị mất sức hút của trái đất nên máu không lưu thông bình thường mà đưa lên đầu nhiều hơn xuống chân. Khi đó, mặt ông bị sưng phồng vì máu dồn lên đầu. Ba ngày sau, khuôn mặt bị ép xuống nên bị bóc một lớp da. Ông mất ngủ mấy ngày liền, đầu óc lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng.

Việc di chuyển và làm việc trên tàu vũ trụ rất khó khăn. Chuyện ăn uống cũng khổ khi họ chỉ có đồ khô được chế như những tuýp kem đánh răng để ăn và uống hai lít nước mỗi ngày.

Nói về cảm giác được nhìn trái đất từ không gian vũ trụ, anh hùng Phạm Tuân cho biết, đó là cảm giác hiếm có và không thể nào quên.

"Lúc đó, không phải Việt Nam, Liên Xô hay một nước nào, mà trái đất chính là quê hương của các phi công. Sự sung sướng nhất của phi công là sau giờ làm việc rồi thì có ít phút nghỉ ngơi, nghĩ ngợi về trái đất, gia đình, người thân", ông nói.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật