Mỹ không kích Syria là vi phạm hiến chương Liên Hợp Quốc?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuộc không kích này có hợp pháp hay không? Cơ sở pháp lý nào để Mỹ được không kích nước khác?
Mỹ không kích Syria là vi phạm hiến chương Liên Hợp Quốc?
Hình ảnh tên lửa Mỹ nhắm mục tiêu tấn công căn cứ không quân Shayrat của Syria.

Vụ không kích đầu tiên của Mỹ nhằm vào Syria diễn ra sau 36 ngày kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ một lần nữa khiến dư luận toàn cầu đặt câu hỏi: Cuộc không kích này có hợp pháp hay không? Cơ sở pháp lý nào để Mỹ được không kích nước khác?

Dậy sóng dư luận

Còn nhớ, cách đây 4 năm, khi ông Donald Trump ở cương vị Tổng thống Mỹ, đã ra lệnh không kích Syria để trả đũa cho cáo buộc về những hành động tấn công bằng vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad nhằm vào dân thường Syria, bà Jen Psaki, hiện là Thư ký báo chí Nhà Trắng, trợ lý cấp cao của ông Joe Biden, đã từng đặt nghi vấn về tính pháp lý của quyết định tấn công đó.

Tại thời điểm ấy, nữ trợ lý Jen Psaki chia sẻ qua Twitter, cáo buộc: “Ông as‌sad là độc tài hung ác..." nhưng phải thừa nhận rằng "Syria vẫn là quốc gia có chủ quyền”.

Nay, sau động thái quân sự mới nhất của tân Tổng thống Mỹ thứ 46 với Syria ngày 26/2, câu nghi vấn của bà Jen Psaki năm xưa được các chính trị gia, cư dân mạng Mỹ chia sẻ lại. Đồng thời, câu hỏi - cơ sở pháp lý nào cho phép Mỹ tấn công Syria - lại dậy sóng dư luận.

Hạ Nghị sĩ Mỹ Ihan Omar chia sẻ lại nghi vấn của bà Jen Psaki về quyết định không kích Syria của ông Donald Trump cách đây 4 năm

Ngay sau cuộc tấn công, hãng tin Sputnik dẫn một nguồn tin giấu tên từ Bộ Ngoại giao Nga cũng lên án động thái của chính quyền Joe Biden với Syria là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận.

“Cuộc tấn công đã được thực hiện trên lãnh thổ một quốc gia có chủ quyền, một thành viên của Liên Hợp Quốc. Đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận. Mỹ cần phải biết chắc chắn đối tượng mà họ đã tấn công là ai” - nguồn tin cho biết.

Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, Iran ở Syria để hỗ trợ chính phủ hợp pháp và người dân nơi đây chống lại khủ‌ng b‌ố.

Tối cùng ngày 26/2, chính quyền Syria công bố phát ngôn, chỉ trích vụ không kích của Mỹ là hành động xâ‌m lượ‌c và là "hành động hèn nhát có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng làm leo thang tình hình trong khu vực".

Về phía Mỹ, trong các tuyên bố liên quan tới không kích, các cơ quan liên quan của chính quyền Joe Biden đều nhấn mạnh đây là hành động trả đũa nhóm phiến quân Shiite tại Syria, được Iran hậu thuẫn, vì đã thực hiện các cuộc tấn công bằng rocket hôm 15/2 vừa qua tại Iraq, làm bị thương nhiều nhân viên Mỹ cùng nhân sự của các nước liên minh.

Chính quyền ông Biden cho rằng, nhóm phiến quân tại Syria đã nhận giúp đỡ cả về tài chính và quân sự từ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Trong phát ngôn về vụ việc lần này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhận định, hành động không kích là "thông điệp rõ ràng" cho thấy Tổng thống Biden sẽ "hành động để bảo vệ dân Mỹ. Khi có mối đe dọa xuất hiện, ông có quyền hành động với thời gian và cách thức do mình lựa chọn".

"Vi phạm hiến chương LHQ"

Song, hãng tin AP dẫn lời bà Mary Ellen O’Connell, Giáo sư đến từ Khoa Luật Notre Dame cho biết: “Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) đã nêu rõ: Việc sử dụng sức mạnh quân sự trên lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền ở nước ngoài chỉ hợp pháp trong trường hợp đó là phản ứng sau một vụ tấn công có vũ trang nhằm phòng vệ trước những gì mà quốc gia mục tiêu đã làm”.

Bà O’Connell khẳng định, cuộc không kích lần này nhằm vào Syria không đáp ứng những yếu tố được nêu trong điều trên.

Chuyên gia luật quốc tế Stefan Talmon

Trước đó, trong một bài viết liên quan tới một cuộc không kích Syria khác của Mỹ, hãng tin DW (Đức) dẫn lời chuyên gia luật quốc tế Stegan Talmon giải thích về tính pháp lý quốc tế khi một quốc gia dùng vũ lực với nước khác.

Theo ông Talmon, “một cuộc không kích, tương tự như các cuộc tấn công khác nhằm vào một quốc gia, đều bắt buộc phải thông qua Hội đồng Bảo an LHQ. Theo Hiến chương LHQ, hành động tấn công đó bắt buộc phải được tất cả 5 cường quốc lớn nhất thế giới, là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, đồng ý chấp nhận. Trường hợp ngoại lệ không cần qua Liên Hợp Quốc, đó phải là để tự vệ".

Một số trường hợp ngoại lệ khác cho phép tấn công mà không cần thông qua Hội đồng Bảo an LHQ đang được bàn đến như “can thiệp nhân đạo”, chẳng hạn như can thiệp vào một quốc gia trong trường hợp chính quyền nước đó sử dụng vũ lực hoặc hành động phi nhân đạo với chính người dân nước họ.

Theo ông Talmon, Syria có thể đưa vấn đề Mỹ sử dụng vũ lực ra Hội đồng Bảo an LHQ. Song, động thái này gần như sẽ không đi đến đâu vì Mỹ là một trong những thành viên thường trực của Hội đồng này, có đặc quyền phủ quyết. Đồng nghĩa, Hội đồng Bảo an khó có thể đưa ra bất cứ quyết định cuối cùng nào bất lợi cho Mỹ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật