Người gây ô nhiễm phải trả tiền - Khi quy định chỉ nằm trên giấy!

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người gây ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân phải chịu phạt cùng nhiều chi phí liên quan. Quy định tưởng là đương nhiên này nhưng vẫn còn nằm trên giấy.
Người gây ô nhiễm phải trả tiền - Khi quy định chỉ nằm trên giấy!
Ảnh minh họa

Khi những vướng mắc chưa được giải quyết, người chịu ảnh hưởng nhiều nhất lại chính người dân, thậm chí phải đánh đổi cả bằng tính mạng của mình.

Người gây ô nhiễm phải trả tiền đã trở thành một nguyên tắc được quy định rõ trong Pháp Luật Việt Nam để kiểm soát và ngăn chặn mọi hành vi gây ô nhiễm môi trường. Ngoài các loại thuế phí bảo vệ môi trường theo quy định, khi thực thi nguyên tắc này, người gây ô nhiễm buộc phải trả tiền chi phí ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm; thiệt hại do ô nhiễm; chi phí của cơ quan quản lý nhà nước khi thực thi các quy định quản lý môi trường cho sự ô nhiễm mà họ gây ra để từ đó thay đổi hành vi và cách ứng xử với môi trường.

Mặc dù quy định đã được đặt ra vậy nhưng việc áp dụng và thực thi trên thực tế như thế nào, mới là điều cần quan tâm đến.

Người gây ô nhiễm phải trả tiền: Quy định một đằng, thực tế một nẻo

Tại làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, hàng trăm lò tái chế nhôm phế liệu lúc nào cũng đỏ lửa. Khi ở trên xả khí, ở dưới đồng loạt thải bã xỉ nhôm. Vòng tròn khép kín ấy cứ đua nhau tàn phá môi trường từ ngày này qua ngày khác và tiền cứ thế chảy vào túi những chủ xưởng ở đây.

Ở Mẫn Xá, Văn Môn, hiện đang có 300 hộ làm nghề nấu nhôm phế thải. Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương, thực chất họ chỉ là người làm thuê cho các doanh nghiệp khi cả xã giờ có hơn 100 công ty tái chế phế liệu nhôm hoạt động.

Với mác làng nghề truyền thống, các lò nấu nhôm này không phải đóng bất cứ một đồng tiền phí bảo vệ môi trường nào và cứ thế mặc nhiên cho mình cái quyền được hủy hoại môi trường.

Còn tại Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, bộ ba chất thải gồm rác thải, nước thải và khí thải từ các cơ sở tái chế giấy đồng loạt bức tử môi trường. Dù vậy, các doanh nghiệp và các cơ sở tại đây mới chỉ phải nộp duy nhất tiền phí bảo vệ môi trường với nước thải. Vậy mà nhiều đơn vị hiện vẫn chưa thực hiện.

Không có căn cứ để xác định thiệt hại nên càng không thể yêu cầu các đơn vị gây ô nhiễm thực thi trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra.

Dù bằng trực quan cũng có thể nhận ra, thiệt hại vì ô nhiễm ở đây đang ở mức độ nào bởi thêm một ngày, bầu trời và dòng sông ở Phong Khê cũng không thể đen thêm vì chất thải.

Vì sao nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền chưa được thực thi?

Có lẽ nhiều người đang thắc mắc tại sao không thực thi nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền với những cơ sở sản xuất ở đây? Phóng viên đã đặt câu hỏi này với cơ quan quản lý môi trường ở địa phương.

Rất nhiều lý do đã được đưa ra để lý giải như không có chế tài xử lý khi mà chủ cơ sở không thực thi; không có căn cứ cơ sở để xác định mức độ thiệt hại… hoặc lý do chưa thu, không thể phát hiện ra được vị trí nước thải của cơ sở thải ra cống thải chung ra ngoài môi trường hay rất nhiều ống khói không có vị trí để lấy mẫu và không thể trèo lên hay vị trí lấy mẫu nguy hiểm.

Nghịch lý "người dọn - người thải" ở làng ô nhiễm

Chúng ta cũng phải chia sẻ những khó khăn trong công tác quản lý về môi trường của cơ quan chức năng ở địa phương nhưng nghịch lý là khi người gây ô nhiễm chưa phải trả tiền thì địa phương lại là đơn vị phải chịu trách nhiệm xử lý ô nhiễm.

Một nơi vốn dĩ là đồng ruộng nhưng giờ đã biến thành nơi tập kết bã thải xỉ nhôm của cả làng.

Ông Phạm Đức Định, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho biết các tổ chức, hộ sản xuất kinh doanh là người phát thải mà bây giờ, cả hệ thống chính trị dùng công sức của cải để xử lý ô nhiễm môi trường này.

Người gây ô nhiễm, lẽ ra phải trả tiền nhưng giờ đây, địa phương lại phải dùng tiền ngân sách để giải quyết hậu quả việc ô nhiễm ấy. dự án vận chuyển thu gom chất thải tồn đọng ở Văn Môn do UBND huyện Yên Phong làm chủ đầu tư với kinh phí khoảng 165 tỷ đồng hiện đang được triển khai.

Chất thải mới phát sinh cũng đưa luôn vào dự án thu gom, xử lý, vậy thì khác nào cứ đổ thải sẽ được dọn. Thế nên, tình trạng vô tư xả thải, miễn là gọn gàng, vẫn đang tiếp diễn hàng ngày ở đây. Mỗi một lượt xe chở phế thải đi vào bãi tập kết đồng nghĩa có ngần ấy chuyến đổ thải diễn ra.

UBND huyện Yên Phong đang trong thời gian lập hồ sơ dự toán để Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh thẩm định. Vì được phía huyện cho phép đổ ở đây nên cứ thêm một ngày, bãi tập kết lại đầy thêm vì chất thải.

Theo ông Phạm Đức Định, trong thời điểm này, việc đổ thải tạm thời như vậy. Sau khi hót đi rồi, có dự án 3,6 ha này tiếp tục quản lý.

Phải mất nhiều tháng nữa, khu tập kết xỉ thải có thu phí mới có thể hoạt động nên sẽ có hàng trăm tấn chất thải mới phát sinh từ các lò tái chế nhôm đổ ra môi trường trong khoảng thời gian chờ đợi dự án hoàn thành. Vậy để cho các cơ sở gây ô nhiễm rồi lập dự án xử lý ô nhiễm liệu có phải là một giải pháp kiểm soát triệt để ô nhiễm môi trường?

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, cách làm đó chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề bảo vệ môi trường chứ không thực thi đúng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Bởi nó gây tốn kém cho ngân sách nhà nước và tạo ra sự nhờn luật để cho các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Theo đơn giá, khoảng 600.000 đồng là chi phí vận chuyển, xử lý mỗi tấn chất thải. Vậy với trung bình 80 tấn chất thải phát sinh mỗi ngày, địa phương sẽ mất thêm 50 triệu đồng chi phí xử lý. Chỉ riêng một tháng, số tiền ngân sách bỏ ra để giải quyết xỉ thải của các lò tái chế ở đây sẽ lên đến cả hơn tỷ đồng.

Lãng phí nhiều dự án xử lý ô nhiễm tiền tỷ

Trong tình cảnh môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, việc lập các dự án để xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện và kiểm soát ô nhiễm ra sao, sau khi các dự án được triển khai, mới là vấn đề quan trọng. Thực tế, không ít dự án xử lý ô nhiễm khi thực hiện không xử lý được ô nhiễm mà lại lãng phí ngân sách của địa phương.

Tại xã Nam Thanh, Huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, từng được đầu tư gần 90 tỷ đồng nhưng trạm xử lý nước thải ở làng nghề này chưa thể hiện được chức năng như tên gọi của nó vì toàn bộ nước thải từ các cơ sở tái chế nhôm đã được tống thẳng ra hệ thống kênh mương nội đồng.

Lãnh đạo xã cho rằng trách nhiệm thuộc về Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh trong khi đại diện Chi Cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT tỉnh Nam Định lại khẳng định UBND xã chưa làm tròn trách nhiệm về việc vận hành trạm xử lý nước thải này.

Ai cũng có cái lý để chối bỏ trách nhiệm thuộc về mình. Còn trạm xử lý nước thải có xử lý được nước thải hay không lại là một câu chuyện khác. Phía Sở TN-MT tỉnh cho rằng lý do chính là trạm không tách được nước mưa và nước thải.

Khi dự án cũ thất bại, một dự án mới được triển khai. Chủ đầu tư lần này là UBND huyện Nam Trực với tổng kinh phí được cấp là hơn 11 tỷ đồng.

Còn công trình xử lý nước thải ở làng giấy Phong Khê, TP Bắc Ninh với kinh phí đầu tư là 194 tỷ đồng nhưng không biết khi nào mới đi vào hoạt động chính thức khi 3 năm nay vẫn đang trong quá trình chạy thử.

Không đợi đến khi trạm xử lý kết thúc quá trình chạy thử hàng ngày, cả ngàn m3 nước thải chưa qua xử lý từ các dây chuyền tái chế giấy ở đây cứ xối xả đổ ra môi trường, nhuộm màu cho những dòng nước để rồi hủy hoại cả dòng sông.

Sống mòn trong "làng ung thư"

Chừng nào môi trường bị ô nhiễm, nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền" sẽ được nhắc lại như một điều bắt buộc phải được thực thi. Vì khi môi trường bị hủy hoại, con người sẽ phải hứng chịu hậu quả, trả giá bằng sinh mạng của mình như câu chuyện về những người dân sống mòn trong "làng ung thư" Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Theo cuốn sổ tử của xã, hầu như năm nào, ở xã Văn Môn cũng có trên dưới 10 người chết vì ung thư.

Dù đang chung sống với căn bệnh ung thư quái ác nhưng bệnh tật không phải thứ đáng sợ nhất với bà Nguyễ Thị Kiên mà lại là môi trường ở đây, thứ mà bà đang phải hít thở, ăn uống hàng ngày.

Vì không thể thay đổi được môi trường nên nhiều hộ dân không làm nghề tái chế phế liệu chấp nhận "sống mòn" với khí độc và bụi thải hàng ngày.

Tuy nhiên, một điều chua xót mà chính lãnh đạo địa phương này vừa nhận ra là từ cách đây vài năm, nhiều ông chủ của các công ty phế liệu đã không còn định cư ở đây nữa. Họ sống ở chỗ khác nhưng vẫn sản xuất tại làng bởi nghề này, không chỗ nào khác chấp nhận cho họ sản xuất.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật