Thuê ruộng làm vụ đông

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vài năm nay, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây vụ đông, một số hộ dân đã thuê đất để sản xuất. Đây là cách làm hay, vừa tháo gỡ khó khăn trong tích tụ ruộng đất, vừa góp phần nâng cao thu nhập.
Thuê ruộng làm vụ đông
Gia Lộc là huyện có nhiều mô hình thuê ruộng làm vụ đông nhiều nhất tỉnh

Xem Video: Hà Nam: Nhiều nông dân cho thuê đất nông nghiệp 

//

Hiệu quả

Trước đây, khu đồng ở thị trấn Gia Lộc thường bị bỏ hoang trong vụ đông do người dân chỉ quen gieo cấy 2 vụ lúa. Thấy lãng phí đất đai, năm 2018 anh Lê Văn Am ở xã Lê Lợi (Gia Lộc) đã thuê lại để trồng rau màu. Sau khi đợi người dân gặt xong lúa mùa, anh sẽ nhận ruộng và chuẩn bị sản xuất vụ đông. Nhờ vậy mà cánh đồng rộng 30 ha chỉ toàn gốc rạ xơ xác đã trở thành vùng trồng su hào, cải bắp tươi tốt. Anh Am cho biết: "Nhà tôi làm vụ đông lâu đời, khấm khá nhờ vụ này mà người dân ở nơi khác lại thờ ơ. Tôi đã mạnh dạn gom ruộng trồng rau màu. Mới đầu tôi chỉ thuê ruộng trong 1 vụ, về sau tôi thuê 2 vụ là vụ mùa và vụ đông 200.000 đồng/sào/năm để có thời gian trồng rau vụ đông cực sớm. Trừ chi phí, mỗi vụ tôi thu về hơn 200 triệu đồng".

Vụ đông này, anh Nguyễn Xuân Nam ở TP Hải Dương cũng thuê 30 ha đất ở các xã Ninh Hòa, An Đức, Đông Xuyên (Ninh Giang) để trồng ngô, khoai tây xuất khẩu. Theo anh Nam, nhu cầu thị trường đối với các nông sản vụ đông ngày càng cao nên anh đã kết nối với doanh nghiệp bao tiêu. Vốn là người am hiểu về nông nghiệp, anh đã lựa chọn khu vực nông dân ít trồng vụ đông để thuê ruộng. Do đó, anh thuê được ruộng với giá ưu đãi, chỉ 50.000 đồng/sào/vụ. Mặt khác, ngô và khoai tây là những cây trồng ưa phân bón hữu cơ và ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Vì thế khi trồng trong vụ đông cũng giúp cải tạo đất, tạo thuận lợi nhất định cho nông dân trong gieo cấy lúa chiêm xuân. "Tôi thuê ruộng và cũng thuê luôn chủ ruộng làm công. Sau này nếu tôi trả lại ruộng thì nông dân cũng đã có kinh nghiệm làm vụ đông nên có thể sẽ không bỏ ruộng hoang như trước".

Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 60.000 ha gieo cấy lúa mỗi vụ, song diện tích trồng cây vụ đông chỉ khoảng 20.000 ha. Trừ những khu đất trũng thì diện tích đất bỏ hoang trong vụ đông tương đối lớn. Việc người dân thuê đất sản xuất vụ đông sẽ làm gia tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Khuyến khích nhân rộng     

Huyện Gia Lộc là địa phương có nhiều mô hình thuê ruộng làm vụ đông nhiều nhất tỉnh với 28 mô hình, tổng diện tích hơn 300 ha. Người dân thuê ruộng để gieo trồng các loại rau màu vụ đông đã góp phần khai thác hiệu quả lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Ông Đặng Xuân Thưởng, Bí thư Huyện ủy Gia Lộc cho biết: "Vụ đông là vụ sản xuất chính, chủ lực của địa phương. Huyện luôn khuyến khích người dân mở rộng tối đa diện tích gieo trồng. Việc thuê ruộng làm vụ đông là cách làm hiệu quả cần được nhân rộng. Huyện đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ để tạo động lực cho người dân gắn bó với vụ sản xuất này".

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông năm nay, Hải Dương phấn đấu vượt từ 10-15% diện tích gieo trồng và giá trị sản xuất so với kế hoạch ban đầu. Những mô hình thuê, mượn ruộng làm vụ đông rất phù hợp, nhất là đối với các địa phương chỉ có thói quen gieo cấy lúa chứ không làm vụ đông. Thực tế sản xuất cho thấy, trong vụ đông năm nay, tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang... đã có nhiều tổ chức, cá nhân thuê ruộng sản xuất vụ đông. Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định những mô hình này không chỉ mở ra hướng đi mới cho sản xuất vụ đông của tỉnh mà còn thúc đẩy phong trào làm vụ đông của mỗi huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, các địa phương có thể xác định được thế mạnh trong sản xuất vụ đông để có định hướng phù hợp, đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính, cho giá trị cao.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật