Cử tạ Việt Nam với quả tạ ngàn cân

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
6 tháng trước khi Olympic 2020 diễn ra “bù” tại Tokyo, cử tạ Việt Nam nhận tin sét đánh: Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Đình Sáng bị cấm thi đấu 4 năm vì dương tính với doping.
Cử tạ Việt Nam với quả tạ ngàn cân
Bùi Đình Sáng là một trong bốn đô cử dương tính với doping của Việt Nam chỉ trong 2 năm qua.

Nguy cơ bị cấm dự Olympic 2020

Ngày 23-11, Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) báo tin trời giáng cho Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam. Hai lực sỹ cử tạ là Nguyễn Thị Thu Trang - 17 tuổi, từng giành huy chương vàng giải Vô địch trẻ thế giới hạng 45 kg nữ vào năm ngoái và đang giữ danh hiệu này khi sự kiện năm 2020 bị hủy bỏ vì đại dịch COVID-19 và Bùi Đình Sáng - từng đoạt huy chương vàng hạng 61 kg tại giải Vô địch trẻ thế giới 2019 tại Mỹ đã dương tính với doping.

Cụ thể hơn, cả hai lực sỹ này đều dương tính với oxandrolone – một trong những chất cấm trong thi đấu thể thao. Án phạt mà IWF đưa ra là rất nặng tay. Cụ thể, Thu Trang và Đình Sáng sẽ bị đình chỉ thi đấu trong 4 năm. Án phạt có hiệu lực kể từ tháng 1-2020.

Ông Đỗ Đình Kháng - Phó vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II (Tổng cục Thể dục- thể thao) kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam cho biết, hai VĐV kể trên đã  được Tổ chức Phòng chống doping quốc tế (WADA) lấy mẫu xét nghiệm doping trong giai đoạn địa phương (Hà Nội) quản lý.

"WADA thường lấy mẫu ngẫu nhiên, bất ngờ vào thời điểm VĐV không chuẩn bị cho giải đấu quốc tế quan trọng nào để tránh việc dùng thuốc cấm có thể bị "tẩy" khi vào giải. Trong quá trình tập luyện, các VĐV có ý đồ gian dối sẽ dùng doping để tăng cường sức mạnh cơ bắp, hạn chế chấn thương", ông Kháng chia sẻ.

Đây không phải là lần đầu tiên cử tạ Việt Nam lĩnh án phạt nặng của IWF, thậm chí là trong thời gian rất ngắn. Mới năm ngoái, lực sỹ Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Phương Thanh cũng vì lý do liên quan đến doping mà bị cấm thi đấu tới 4 năm. Họ còn bị phạt 5.000 USD vì vi phạm. Như vậy là chỉ trong vòng 2 năm, 4 đô cử Việt Nam, trong đó có 3 người từng giành huy chương vàng thế giới, dương tính doping.

Nỗ lực dự Olympic 2020 của Thạch Kim Tuấn có thể đổ sông đổ bể.

 Không chỉ là treo “tạ” với những vận động viên này, cử tạ Việt Nam còn đối diện với nguy cơ bị tước quyền tham dự ở Olympic 2020. Bởi theo quy định, bất kỳ quốc gia nào vi phạm doping từ 3 lần trở lên trong thời gian diễn ra vòng loại Olympic, bắt đầu vào tháng 11-2018, đều có thể bị mất số lượng hạn ngạch hoặc bị cấm tham dự. Hai quốc gia khác dính líu đến vụ bê bối doping ở lứa tuổi thanh thiếu niên là Thái Lan và Ai Cập đã bị cấm đến Olympic năm tới.

Ông Đỗ Đình Kháng cho biết: “Cử tạ Việt Nam trong 3 năm qua có đến 4 VĐV dương tính với doping nên hiện chúng tôi vẫn phải chờ văn bản chính thức của IWF xem cử tạ Việt Nam có bị cấm tham dự Olympic Tokyo hay không". Thông tin này khiến giới cử tạ Việt Nam đứng ngồi không yên. Bởi hiện hai lực sĩ Thạch Kim Tuấn (xếp hạng 5 vòng loại Olympic của hạng cân 61kg nam) và Hoàng Thị Duyên (xếp hạng 7 vòng loại Olympic hạng cân 59kg nữ) gần như đã chắc suất đến Tokyo năm sau. Tuy nhiên, sai phạm của những VĐV khác có thể khiến công sức của họ đổ sông đổ bể.

Vì sao đô cử Việt Nam cứ dính đến doping?

Phải đến khi đứng trước nguy cơ bị tước quyền tham dự Olympic 2020, cử tạ Việt Nam mới nháo nhào tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Câu hỏi đầu tiên đương nhiên được đưa ra nhằm về phía VĐV. Đó là tại sao họ vẫn liên quan đến chất cấm trong thi đấu, dù thừa biết mình có thể bị phạt nặng thế nào. Theo ông Kháng, lý do thường được các VĐV, HLV lý giải là vô tình uống phải thuốc có chứa chất cấm. Nhưng đó chỉ là sự bao biện cho hành động gian dối trong thể thao.

Đó là vấn đề chủ quan. Còn câu chuyện khách quan nằm ở việc Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam vẫn chưa có một hành lang pháp lý để xử lý kỷ luật đối với các VĐV, HLV, địa phương xảy ra chuyện này. Vì thế khi VĐV bị IWF cấm, Liên đoàn cũng như Tổng cục TDTT chỉ áp dụng theo chứ chưa có hình phạt bổ sung. Khi mà gần như toàn bộ các giải thể thao trong nước đều không được kiểm tra doping thì việc quản lý là quá khó với Tổng cục TDTT.

“Những VĐV bị IWF cấm đều bị cấm thi đấu tất cả các giải trong nước. Thật tiếc và đáng trách khi 3/4 trường hợp VĐV Việt Nam dính doping do kiểm tra ngẫu nhiên tại Việt Nam”, ông Kháng bày tỏ sự thất vọng. “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các HLV, VĐV tuân thủ việc phòng chống doping, ngay cả thời gian không thi đấu, tiếc là vẫn có tư tưởng xem nhẹ việc quan trọng này. Cũng có khó khăn là chúng ta chưa kiểm tra doping ở các giải trong nước do chi phí đắt đỏ, điều kiện chưa cho phép, dẫn đến chưa kiểm soát được ngay từ trong nước”. 

Cơm áo gạo tiền, thiếu kinh phí, không được phát triển trên nhiều phương diện còn đáng sợ hơn những quả tạ mà các đô cử gồng mình vác lên.

Theo ông Kháng, việc xác định các vận động viên dương tính với doping đều do WADA phát hiện, khi kiểm tra ngẫu nhiên hoặc lúc thi đấu quốc tế: "Bây giờ thực sự rất khó để nói làm như thế nào để xác định vận động viên dính doping, bởi nó ở lĩnh vực khác. Chúng tôi chưa có cách nào để đo xem vận động viên có dùng chất cấm hay không. Khi hỏi vận động viên, tất nhiên họ đều nói là không sử dụng".

Một khía cạnh nữa được ông Kháng chia sẻ: “Các vận động viên thi đấu quốc tế mới có mã số để gọi tên và lấy mẫu thử. Khi đó, tổ chức quốc tế chỉ kiểm tra các vận động viên có mã số thôi, còn đa phần các vận động viên chỉ thi đấu trong nước, địa phương không có kinh phí cử ra nước ngoài thi đấu, thì người ta dùng vô tư. Điều này sẽ tạo ra những bất công, bởi những vận động viên chỉ thi đấu trong nước dùng doping lại không bị phạt, trong khi những vận động viên có mã số quốc tế vô tình dính phải doping lại nhận án cấm".

Cũng theo ông Kháng, điều bất công khác là các vận động viên dùng chất cấm để nâng cao thành tích sẽ được lựa chọn vào các đội tuyển trẻ và quốc gia, bởi căn cứ vào thành tích để xét chọn. Đây là bài toán khó, đã loay hoay trong nhiều năm, nhưng chưa tìm ra giải pháp.

Loanh quanh những lý do từ chủ quan đến khách quan khiến cử tạ Việt Nam đi vào một cái vòng luẩn quẩn. Để rồi như cái kim trong bọc lâu ngày phải lòi ra, những biến cố về hàng loạt scandal liên quan đến doping trở thành “quả tạ” ngàn cân khiến các đô cử khác không thể gồng gánh nổi. Nguy cơ vắng mặt ở Olympic 2020 hiển hiện trước mắt. Không biết nếu như điều đó thành hiện thực, những người làm nhiệm vụ đảm trách tại Liên đoàn Cử tạ - Thể hình có đổ lỗi cho… COVID-19 khiến cho Olympic bị trì hoãn tận 1 năm, dẫn đến việc Thu Trang và Đình Sáng bị phát hiện hay không nữa.

Nỗi đau của cử tạ Việt Nam

Từ chỗ là môn thể thao có trọng điểm, đóng góp trực tiếp vào thành tích của thể thao Việt Nam nhưng sức hút của cử tạ Việt Nam lại vô cùng mờ nhạt. Một chi tiết đáng chú ý, báo cáo tài chính của Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam nhiệm kỳ I (2015-2019) nêu rõ: Liên đoàn có tổng tài chính hơn 11 tỷ đồng và số dư cuối kỳ đến thời điểm tổ chức đại hội là 3,6 tỷ đồng. Điều đáng nói, phần lớn doanh thu trên đến từ các hoạt động thể hình. Riêng với cử tạ, thu nhập chủ yếu đến từ lệ phí thi đấu, các khóa đào tạo do liên đoàn tổ chức. Nguồn thu đến từ tài trợ cho liên đoàn, đặc biệt là cử tạ không đáng kể. Thậm chí, trong năm 2018 và 2019, cử tạ không có tài trợ.

Do đó, nhiều đô cử mạnh của Việt Nam ngoài nguồn thu từ lương không có thêm một khoản tiền nào khác để hỗ trợ. Niềm đam mê của họ có thể thắng được sức nặng từ những quả tạ nhưng không thể chiến thắng được nỗi lo canh cánh từ miếng cơm manh áo.  

Có một điều đáng nói nữa trong danh sách 29 thành viên được bầu vào Ban Chấp hành Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam nhiệm kỳ II (2020-2025) thì đa phần là cán bộ quản lý của ngành thể thao. Sự tham gia của đại diện các câu lạc bộ cử tạ - thể hình, doanh nghiệp là không đáng kể. Bộ máy của liên đoàn hiện nay chủ yếu là những người không chuyên về lĩnh vực kinh doanh. Đây là điều đáng lo ngại.

Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TD-TT, cho biết: "Tài chính là vấn đề khó khăn với nhiều liên đoàn thể thao tại Việt Nam chứ không riêng cử tạ. Hiện nay, trong công tác tài trợ của các liên đoàn thường vẫn dùng mối quan hệ cá nhân để giải quyết. Cách làm này không còn phù hợp nữa. Điều đáng tiếc, cử tạ có thế mạnh riêng nhưng vẫn chưa biết cách khai thác tiềm năng đó. Liên đoàn phải tìm cách làm cho hình ảnh của cử tạ sống động, hấp dẫn để thu hút tài trợ".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật