“Lục Tỉnh Cầm Ca” - “Giáo trình” về 4 loại hình nghệ thuật đặc trưng của Nam Bộ

Kem Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chương trình giới thiệu bộ sách Lục Tỉnh Cầm Ca diễn ra tại Đường sách TP.HCM, “ngoài mục đích giới thiệu nghệ thuật cổ truyền đặc sắc của Nam Bộ đến bạn đọc, còn hướng đến bước đầu thể nghiệm một giáo trình dẫn nhập, giúp các bạn trẻ tiếp cận và tìm hiểu nghệ thuật cổ truyền một cách dễ dàng và sinh động hơn“, ông Phan Khắc Huy, sáng lập nhóm CCD.
“Lục Tỉnh Cầm Ca” - “Giáo trình” về 4 loại hình nghệ thuật đặc trưng của Nam Bộ
Bộ sách Lục Tỉnh Cầm Ca

Bộ sách Lục Tỉnh Cầm Ca gồm 4 quyển là những nội dung cô đọng của 4 loại hình nghệ thuật đặc trưng của Nam Bộ: Đường vào Hát Bội, Đường vào Diễn Xướng Dân Gian Nam Bộ, Đường vào Đờn Ca Tài Tử, Đường vào Cải Lương.

Bộ sách tập hợp qua nhiều nguồn tư liệu và kinh nghiệm tổ chức các chương trình Diễn Xướng Nam Bộ của Nhóm Đối thoại Văn hóa cộng đồng (CCD), để các bạn trẻ và độc giả bước đầu học cách thưởng thức các loại hình diễn xướng của miền Nam.

Các kiến thức cơ bản về bốn loại hình nghệ thuật được trình bày cô đọng, từ bối cảnh lịch sử hình thành các loại hình diễn xướng, sân khấu hó‌a chấ‌t liệu âm nhạc, nghệ thuật cổ truyền với góc nhìn đương đại, giúp khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ tiếp cận và chung tay tiếp tục giữ gìn, phát triển giá trị văn hóa cổ truyền.

Thông qua chất liệu nghệ thuật cơ bản và ứng dụng QR-code thực tế, đây sẽ là điểm sáng hiệu quả với mong muốn thu hút từng lớp khán giả am hiểu và yêu nghệ thuật sân khấu nước nhà. Để những loại hình nghệ thuật đặc trưng như Hát Bội - Cải Lương - Đờn Ca Tài Tử - Diễn Xướng Dân Gian Nam Bộ không rơi vào tình trạng lãng quên hay đứt gãy mạch văn hóa.

Đường vào Hát Bội là quyển đầu tiên trong bộ sách. Hát Bội là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống với tính ước lệ cao trong biểu diễn và phục trang. Hát Bội từng chiếm vị trí rất quan trọng trong văn hóa Việt, nhất là ở miền Nam. Toàn bộ cái hay, cái đẹp của Hát Bội nằm trong hệ thống quy phạm nghiêm ngặt, từ phục trang đến hóa trang, từ nhạc khúc, ca từ đến điệu bộ.

Đường vào Diễn xướng dân gian Nam Bộ giới thiệu các loại hình diễn xướng dân gian mà tiêu biểu ở hai thể loại là hình thức trữ tình có dân ca, hò, hát, lý… và hình thức nghi lễ có Hát Bóng Rỗi, Hát Sắc Bùa. Những loại hình này hầu như đã mất đi không gian văn hóa để tồn tại hoặc đã có nhiều biến đổi xa xôi so với nguồn gốc. Song cái hay, cái đẹp của các loại hình nghệ thuật dân gian này là kết tinh văn hóa của các thế hệ đi trước, vẫn cần khán giả trẻ lưu tâm tìm hiểu mà chắt lọc, kế thừa. Các nội dung được nhóm biên soạn sắp xếp lại theo một trình tự dễ hiểu, kết hợp với những minh họa độc đáo.

Đường vào Cải Lương là kết quả của các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ tiền bối, nhóm biên soạn Lục Tỉnh Cầm Ca chỉ trích dẫn, sắp xếp lại theo một trình tự dễ hiểu, kết hợp với những minh họa độc đáo và kỹ thuật QR code để bạn đọc có thể vừa xem sách, vừa nghe, vừa thưởng thức các đoạn biểu diễn minh họa. Ngoài quá trình ra đời, hình thành và phát triển, tập sách cũng phân chia rõ và giúp bạn đọc định hình các loại hình của cải lương mà chúng ta vẫn hay nghe nhắc đến như cải lương xã hội, cải lương mang màu sắc hương xa, cải lương tuồng cổ, hồ quảng...

Đường vào Đờn ca tài tử được trình bày có thể ví như một buổi sinh hoạt tài tử nào đó mà người viết là mời quý độc giả đến tham dự. Chương trình có kể chuyện xưa cũ, có hòa đờn – hòa ca minh họa và cũng có khoảng chia sẻ sâu lắng. Bắt đầu từ câu chuyện "ngày xửa ngày xưa", khi bản "Hành văn" vốn là nhạc Huế nhưng lời ca lại rặt miền Nam xen lẫn tiếng Tây (tiếng Pháp). Đến cuối thể kỳ 19, âm nhạc tài tử đã ngầm tồn tại trong các ban nhạc Lễ - ban nhạc của các gánh hát bội. Lúc này âm nhạc tài tử vẫn còn sơ khai. Nhạc cụ, hơi, "cấu trúc" một tiết mục tài tử cũng được trình bày cụ thể bạn đọc phân biệt sự tương đồng và khác biệt giữa nhạc tài tử và nhạc cải lương - điều mà nhiều người còn lẫn lộn.

Bộ sách được xuất bản dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Anh thông qua Quỹ Phim, Âm nhạc và lưu trữ online tại website https://luctinhcamca.org/.

Quỹ FAMLAB (Phim, Nhạc và Lưu trữ) hướng tới việc hỗ trợ các dự án làm việc với di sản âm nhạc và phim của Việt Nam thông qua các thực hành đương đại. Quỹ dành cho các cá nhân, các nhóm thực hành nghệ thuật và các tổ chức tại Việt Nam hoặc Vương quốc Anh có tiềm năng tạo ra ảnh hưởng bền vững và lâu dài cho các cộng đồng di sản văn hóa cũng như nghệ thuật, và có những hướng tiếp cận mới và sáng tạo trong quá trình tương tác với khán giả.

Cuối năm 2017, sau khi tham vấn cùng các nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, Nhóm Đối thoại Văn hóa cộng đồng khởi động dự án Diễn Xướng Nam Bộ hầu mong mang nghệ thuật cổ truyền Nam bộ tiếp cận với khán giả trẻ.

Diễn Xướng Nam Bộ đã tái hiện lại bối cảnh lịch sử hình thành các loại hình diễn xướng, sân khấu hó‌a chấ‌t liệu âm nhạc-nghệ thuật cổ truyền với góc nhìn đương đại và làm cầu nối cho các thế hệ diễn viên, khán giả tiếp tục giữ gìn, phát triển vốn văn hóa cổ.

Từ những kết quả đã đạt được, CCD đã tiếp tục thực hiện Dự Án Thư viện Diễn Xướng Nam Bộ Lục Tỉnh Cầm Ca. Bộ sách là một trong những hoạt động của Thư viện Lục Tỉnh Cầm Ca, hướng đến tạo sự tương tác cho khán giả trẻ với các loại hình nghệ thuật cổ truyền Nam bộ.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật