Mưa dầm nhiều ngày: Nước trắng đồng - Nông dân trắng tay

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mưa dầm liên tiếp cộng với triều cường dâng cao trong những ngày qua đã làm cho nhiều diện tích lúa thu đông mới vừa xuống giống của bà con nông dân bị ngập sâu trong nước. Cùng với đó, trà lúa hè thu muộn chưa kịp thu hoạch cũng bị nước nhấn chìm, nằm bẹp trên đồng, nảy mầm xanh như giá đỗ.
Mưa dầm nhiều ngày: Nước trắng đồng - Nông dân trắng tay
Người dân xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình) be bờ tát nước cứu lúa. Ảnh: C.L

Xem Video: Đường dây nóng: Lúa chìm trong nước, mộc mầm – Thương lái biệt tâm

ĐỐI MẶT VỚI VỤ MÙA… TRẮNG TAY

Sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng cải tạo đất để xuống giống vụ thu đông. Thế nhưng, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa liên tục đã làm cho nhiều diện tích lúa thu đông gieo sạ được hơn 10 ngày bị nước nhấn chìm. Chỉ tính diện tích lúa ngập của 2 huyện Vĩnh Lợi và Hòa Bình đã hơn 10.500ha. Ở huyện Phước Long, diện tích lúa bị ngập do mưa cũng lên đến gần 3.000ha.

Đang hì hục cùng với bà con trong xóm be lại bờ bao để mong có thể kịp bơm tháo nước ra cứu lúa, bà Trần Thị Thu buồn bã nói: “Mưa gió triền miên, nước trong đồng ruộng cứ mỗi đêm lại dâng lên cả tấc. Ngâm nước mấy đêm liền lúa cũng bắt đầu hư rễ, cộng với ốc bươu vàng ăn gãy ngọn gần hết. Giờ chỉ biết cố gắng làm hết sức để cứu lúa, còn cứu được hay không thì tôi cũng không biết. Hy vọng mấy ngày tới đây sẽ có nắng để nông dân chúng tôi đỡ khổ”.

Bên cạnh đó, nhiều nơi lúa chín (hè thu muộn) nhưng nông dân không thể thu hoạch vì mưa kéo dài, đành xót xa nhìn lúa nằm “chịu trận”, phó mặc cho trời đất. Năng suất lúa hè thu vốn không cao, lại gặp thêm trình trạng bị đổ sập và thu hoạch thủ công nên thất thoát, sụt giảm sản lượng là điều không thể tránh khỏi. Ông Lê Minh Hạnh (Phường 8, TP. Bạc Liêu) than thở: “Tôi làm ruộng mấy chục năm rồi mà chưa có vụ hè thu nào như năm nay. Cả 10 công ruộng của tôi, lúa sập nằm rạp như... sân banh! Lúa đã chín nhưng mưa hoài nên không cắt được. Bây giờ, nếu có cắt thì cũng cắt bằng tay chứ không thể cắt bằng cơ giới. Vụ hè thu năm rồi được 40 - 45 giạ/công, còn vụ này mỗi công chỉ cần được 25 giạ/công là mừng. Coi như lỗ là cái chắc”. Lúa gãy đổ, nếu thu hoạch càng trễ thì thất thoát càng nhiều. Từ đó, nông dân phải thu hoạch gấp theo phương pháp thủ công như cắt, bó lại, dùng xuồng chở về rồi thuê máy để suốt lúa.

Giải quyết được khâu thu hoạch thì vẫn còn nỗi lo lúa ế ẩm. Lúa thu hoạch xong, thương lái không mua, hoặc cố tình làm giá chèn ép nông dân. Những vụ trước, thương lái mua lúa tươi của nông dân ngay tại ruộng, nhưng vụ hè thu này, do lúa sập, chất lượng hạt lúa xấu nên thương lái không mua hoặc mua rất dè dặt. Không bán được lúa tươi ngoài ruộng, nông dân phải mang về sân và chất đống chờ nắng để phơi.

Nhiều diện tích lúa hè thu muộn ở Phường 8 (TP. Bạc Liêu) bị ngập úng. Ảnh: C.L

KHẨN TRƯƠNG CỨU LÚA

Hiện các địa phương đang khẩn trương đưa ra nhiều giải pháp để giúp đỡ nông dân ứng phó với thời tiết thất thường. Ông Trương Phước Hiền - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho biết: “Huyện đã tuyên truyền, vận động bà con chủ động bơm tát nước để kịp thời thoát úng cho lúa. Đồng thời, ngành Nông nghiệp huyện đang đề nghị với Ban điều tiết nước tỉnh vận hành các cống đầu mối để rút nước, hạn chế thiệt hại đối với diện tích lúa bị ngập. Trong những ngày tới, nếu không còn mưa dầm thì thiệt hại về năng suất sẽ không lớn”.

Còn huyện Vĩnh Lợi cũng đang khẩn trương vận động nông dân tích cực bơm tát nước và tổ chức vận hành hệ thống cống đầu mối để xổ nước nhằm hạn chế lúa bị thiệt hại do ngập úng. Mặt khác, đối với những diện tích chưa kịp gieo sạ, các địa phương cũng khuyến cáo bà con không nên xuống giống mà chờ đến khi nguồn nước được kiểm soát. Đồng thời, cán bộ Phòng NN&PTNT các địa phương cũng trực tiếp xuống cơ sở, nắm tình hình và cùng với bà con nông dân thực hiện các giải pháp cứu lúa. Trong đó, có việc huy động các máy bơm lưu động có công suất lớn để bơm tháo nước cho những cánh đồng bị ngập nặng. Song song đó, chiều 18/10, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã cho vận hành đóng cống ngăn mặn tại phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) và vận hành thoát nước đối với các cống lớn nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 1A để kiểm soát nguồn nước và giúp cho việc tiêu thủy của các địa phương lân cận được thuận lợi hơn.

Những trận mưa dai dẳng trong tháng 10 thật sự đã làm khổ nông dân. Nỗi lo về một vụ mùa thất bát lại làm nặng trĩu đôi vai của người trồng lúa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật