Ông chủ của những ‘nhân viên’ không lương: Đào tạo cò, ếch, nhái bắt côn trùng gây hại

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Anh Trương Thành Đạt (28 tuổi, ngụ xã An Bình, huyện Thoại Sơn, An Giang) đã thành lập nông trại theo kiểu nhà lưới để hở tự nhiên, thả ếch, nhái và huấn luyện cò ăn cào cào, dế, sâu, rầy…
Ông chủ của những ‘nhân viên’ không lương: Đào tạo cò, ếch, nhái bắt côn trùng gây hại
Anh Đạt (trái) đang chăm sóc, kiểm tra rau được trồng theo kiểu truyền thống.

Xem Video: Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, nông dân làm giàu trên nền đất lúa

//

Bỏ phố về quê

Tốt nghiệp ngành Phát triển Nông thôn Trường ĐH An Giang, anh Đạt được nhận vào làm việc tư vấn kỹ thuật cho Khu nông nghiệp công nghệ cao Củ Chi (TPHCM) với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Nhưng niềm đam mê, làm giàu từ nông nghiệp trên chính mảnh đất quê nhà luôn sục sôi trong suy nghĩ.

Năm 2017, sau khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, nhân sự và nguồn vốn, anh quyết định nghỉ việc để trở về thuê 5.000m2 đất ruộng ở khóm Mỹ Phú, phường Mỹ Quý, TP Long Xuyên cùng một số bạn kỹ sư nông nghiệp trẻ chung chí hướng xây dựng nông trại mang tên “Ếch Ộp”.

Theo Đạt, ý tưởng thành lập nông trại này trước tiên vì mong muốn tạo ra sản phẩm sạch để gia đình sử dụng và cung ứng ra thị trường. Từ đó, anh đã kết hợp lối canh tác tự nhiên truyền thống với công nghệ hiện đại để ứng dụng vào quá trình canh tác tạo ra sản phẩm sạch thật sự.

“Sau khi tìm hiểu từ các tài liệu tôi nhận thấy việc sản xuất nông nghiệp theo hướng thuận theo tự nhiên hoặc tận dụng sức mạnh tự nhiên để quản lý dịch hại. Trong đó, có hình thức canh tác theo kiểu truyền thống, sử dụng các kiến thức, kỹ thuật của ông bà xưa từ trước khi ngành thuốc bảo vệ thực vật vào Việt Nam, không cần sử dụng thuốc rau màu vẫn phát triển tốt.

Từ đó, tôi đã đi nhiều nơi để tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất từ xa xưa để kết hợp với kỹ thuật hiện đại nhằm tái tạo lại quy trình canh tác sao cho phù hợp với điều kiện hiện đại để sản xuất được số lượng lớn, giảm chi phí sản xuất…”, anh Đạt chia sẻ.

Nông trại xanh tốt của anh Đạt.

Những "nhân viên" không lương

Để ứng dụng lối canh tác truyền thống, anh Đạt đã sử dụng biện pháp xây dựng hệ sinh thái cân bằng tự nhiên, sử dụng thiên địch để quản lý dịch hại là chính, tăng cường bón phân hữu cơ…

Để thiên địch sinh trưởng tốt, anh không xây dựng nhà lưới kín mà để hở, tạo môi trường cho ếch, nhái sinh trưởng và cộng sinh với trang trại, ăn loại côn trùng gây hại. Bên cạnh đó, để diệt trừ các loại sâu, dế, cào cào một cách hiệu quả, anh còn có một cách làm vô cùng độc đáo là huấn luyện con cò để ăn các loại gây hại này.

“Hồi nhỏ thấy mấy chú hàng xóm làm nghề câu lưới, đem con cò trắng về nuôi, nó lủi thủi trước sau bắt ruồi muỗi. Lúc lớn, qua lời kể của thầy cô là ở Nhật có giống gà, được nông dân nuôi trong vườn để ăn sâu rầy. Trong một số tài liệu tôi cũng có đọc được những thông tin đó. Từ những kiến thức đó tôi nghĩ con cò ăn ruồi, ve được thì sẽ ăn dế, cào cào, sâu được. Thế là tôi mua vài con cò về nuôi”, anh cho biết.

Thời gian đầu nuôi ai cũng cười, khi anh học kỹ sư mà làm chuyện tào lao. Nhưng trong khoảng thời gian hơn 1 tháng nuôi trong lồng và huấn luyện cò quen với thức ăn, anh đã thành công khi huấn luyện được con cò là “nhân viên” bắt sâu rầy cho trại.

Việc huấn luyện được con cò góp phần rất lớn trong việc quản lý sâu hại, giúp nông trại chứng minh cam kết không dùng thuốc hóa học, sản xuất nông sản thân thiện môi trường.

Khi ruộng rau bị sâu tấn công, anh Đạt chấp nhận lỗ vài triệu đồng, nhất quyết không phun thuốc. Chính sâu thu hút thiên địch phát triển mạnh nên những lứa rau sau luôn tươi tốt. Để các loại thiên địch sinh trưởng tốt trong nông trại, tuyệt đối không bắt ếch, nhái để tạo cảm giác an toàn cho chúng.

Bản thân các loài sinh vật cảm nhận rất rõ môi trường nào an toàn, nơi nào có thuốc hóa học hay không. Ngoài ra, rau trước khi giao cho khách, đều được lặt sạch, đảm bảo sử dụng được gần như 100%. Phần rác rau sẽ dùng để ủ phân hữu cơ.

Anh Đạt tận dụng cò vào trang trại bắt sâu bọ rất hiệu quả.

Để có nguồn nước sạch cung cấp cho nông trại, anh Đạt trồng sen, rau muống, bồn bồn… trên mương dẫn nước để lọc kim loại nặng và một số chất ô nhiễm trong nước. Sau đó, nước tiếp tục được lọc thêm lần nữa trước khi đưa qua hệ thống tưới tự động bằng béc phun sương và tưới nhỏ giọt cho rau, màu.

Từ kinh nghiệm thành công của nông trại Ếch Ộp, anh Đạt tiếp tục đầu tư nông trại 6.000m2 ở xã Long Giang (Chợ Mới) và mô hình nuôi trùn quế trong bồn ở xã Mỹ Khánh (TP Long Xuyên).

Anh Đạt còn kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong cung ứng hàng hóa. Cùng với gian hàng nông sản Ếch Ộp trên đường Lý Thường Kiệt (phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên), 2 gian hàng liên kết ở huyện An Phú (An Giang) và TP Cần Thơ để giới thiệu sản phẩm trực tiếp và giới thiệu sản phẩm thông qua ứng mạng xã hội.

Bên cạnh đó, tất cả dữ liệu về khách hàng, thói quen sử dụng rau theo thời điểm, đều tích hợp vào dữ liệu lớn (big data) để tính toán chủng loại rau, thời điểm xuống giống, sản lượng thu hoạch nhằm đảm bảo tiêu thụ hết trong ngày.

Đến nay, trang trại Ếch Ộp đã được mở rộng ra 13.000m2, trồng hơn 40 loại rau ăn lá, rau ăn củ và rau ăn trái. Mỗi tháng cung ứng ra thị trường hơn 2 tấn rau các loại, cho thu nhập vài chục triệu đồng.

“Đối với ngành này, khi đầu tư làm thường gánh lỗ khoảng từ 3 - 5 năm, nhưng nông trại chỉ gánh lỗ khoảng 1,5 năm, hiện đã có lợi nhuận khá”, anh Đạt chia sẻ.

Thành công không giữ cho riêng mình, Đạt còn mở cửa cho khách đến tham quan nông trại. Khi đến đây, các vị khách được mời ra ruộng tham quan, chia sẻ những kỹ thuật sản xuất nông nghiệp không dùng thuốc bảo vệ thực vật, được thưởng thức ăn tại ruộng...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật