Thủy điện “bóp nghẹt” nhiều điểm du lịch cộng đồng

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thời gian qua, việc đầu tư xây dựng thủy điện trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều điểm du lịch cộng đồng.
Thủy điện “bóp nghẹt” nhiều điểm du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng tại xã Bản Hồ bị “bủa vây” bởi thủy điện.

Xem Video: Ruộng bậc thang Sa Pa phủ sắc xanh

Phát triển du lịch cộng đồng từ những năm cuối thế kỷ XX, xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) là điểm đến ưa thích của du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Nơi đây được coi là “cái nôi” của du lịch cộng đồng Lào Cai. Đến Bản Hồ, du khách có thể dạo quanh các thửa ruộng bậc thang, tắm suối Mường Hoa, suối Lave, suối nước nóng và trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của người Tày…Tuy nhiên, từ khi một số thủy điện đầu tư xây đập, ngăn các dòng suối đã ảnh hưởng đến du lịch cộng đồng trên địa bàn xã. Những dòng suối thường xuyên cạn nước, trơ sỏi đá hoặc ruộng bậc thang “mọc” đầy cột điện cao thế là hình ảnh không khó gặp ở xã Bản Hồ hiện nay.

Là một trong những hộ kinh doanh homestay, đón khách du lịch từ năm 1999 đến nay, ông Lù Văn Lài (chủ Organic Farm Stay) cho biết: Trước đây, du khách đến Bản Hồ rất thích tham quan và tắm thác Lave, nhưng sau khi một số thủy điện xây dựng và hoạt động khiến thác cạn nước và đục hơn, khách không tắm được. Trong giai đoạn 1999 - 2005, mỗi ngày gia đình tôi đón khoảng 15 - 20 khách nhưng sau đó ngày càng giảm. Năm 2019, gia đình tôi chỉ đón được khoảng 50 khách.

Giai đoạn đầu làm mô hình du lịch cộng đồng có lượng khách khá đông nên gia đình ông Lài đã đầu tư hơn 300 triệu đồng dựng nhà sàn. Sau đó, căn nhà sàn được chuyển cho anh Lù Văn Môn (con trai ông Lài) kinh doanh. Hiện nay, homestay của anh Môn gần như không có khách và điều này đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập chính, gia đình anh đang dần chuyển hướng sang làm trang trại chăn nuôi để duy trì cuộc sống.

Homestay ở Bản Hồ ngày càng vắng bóng du khách.

“Khi khách du lịch đông, người dân làm ra các sản phẩm nông nghiệp cũng dễ bán và giá bán cao dù chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Ở xã Bản Hồ, không ít gia đình làm du lịch cộng đồng phải bỏ nghề, quay lại làm nông nghiệp hoặc đi làm thuê. Nếu tình hình không khả quan hơn, gia đình tôi cũng phải chuyển hướng”, ông Lù Văn Lài cho biết.
Theo thống kê của UBND xã Bản Hồ, hiện xã bị ảnh hưởng bởi 4 thủy điện đang hoạt động, 2 thủy điện đang thi công và 2 thủy điện chuẩn bị đầu tư. 8 thủy điện “bao vây” một xã là con số đáng báo động, cần có giải pháp nếu không sẽ “bóp nghẹt” du lịch cộng đồng nơi đây.

Ông Lý Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Bản Hồ cho biết: Việc đầu tư thủy điện phá vỡ cảnh quan môi trường du lịch là thực tế đáng báo động. Cứ nhìn vào lượng khách đến Bản Hồ ngày càng giảm là thấy rõ tác động tiêu cực ở mức nào. Chúng tôi mong các cấp, các ngành có giải pháp cụ thể để du lịch ngày càng phát triển. Các chủ đầu tư xây dựng thủy điện phải có biện pháp hoàn trả hiện trạng môi trường, cảnh quan sau khi thi công xong thủy điện. Có như vậy, du lịch cộng đồng ở Bản Hồ mới có thể phát triển bền vững.

Làng du lịch cộng đồng Trung Đô (xã Bảo Nhai) là điểm du lịch chính của huyện Bắc Hà nhưng những năm gần đây cũng bị ảnh hưởng bởi thủy điện. Trước khi hồ thủy điện Bắc Hà ngăn dòng, dâng nước, khách du lịch thường đến Trung Đô để trải nghiệm và đi thuyền dọc sông Chảy, tham quan hang Tiên. Nhưng nay, điểm du lịch này càng ngày càng vắng khách do sông cạn, thuyền du lịch không thể hoạt động. Những chiếc xe trâu phục vụ du khách tham quan làng từng được coi là “thương hiệu” của điểm du lịch này thì nay cũng không còn được “trang hoàng”, bị bỏ mặc dọc tuyến đường thôn hoặc trở thành nơi để củi, dây leo phủ kín. Thôn Trung Đô hiện nay còn rất ít gia đình duy trì dịch vụ vận tải bằng xe trâu.

Chị Lâm Thị Nghiêm, Hợp tác xã dịch vụ vận tải du lịch Hùng Dũng cho biết, trước đây có thể đón vài trăm khách ở homestay hoặc đi thuyền trải nghiệm. Tuy nhiên khi hồ Cốc Ly hình thành, thuyền chỉ chạy được vào thời gian thủy điện xả lũ nên ngày càng vắng khách, nhiều khách đặt xong lại hủy tour vì không thể đi thuyền khám phá hang Tiên.
Căn nhà sàn gia đình chị Nghiêm đầu tư hơn 500 triệu đồng nay cũng gần như bỏ không, gây thiệt hại về kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Luyện, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà cho rằng, du lịch cộng đồng là hướng đi bền vững nên cần có giải pháp phù hợp để thủy điện hoạt động hiệu quả nhưng không ảnh hưởng đến phát triển các điểm du lịch cộng đồng. Nếu không có giải pháp cụ thể, rất có thể làng du lịch cộng đồng Trung Đô sẽ biến mất trong nay mai.


Theo tìm hiểu của phóng viên, việc đầu tư xây dựng các thủy điện không chỉ ảnh hưởng đến du lịch cộng đồng xã Bản Hồ, điểm du lịch Trung Đô mà còn ảnh hưởng tới du lịch cộng đồng các xã Mường Hoa, tả Van và phường Cầu Mây (thị xã Sa Pa)… Ảnh hưởng tiêu cực của thủy điện đến nhiều điểm du lịch cộng đồng đã rõ nhưng vẫn tiếp tục có những công trình thủy điện chuẩn bị “mọc lên” và “bao vây” các điểm du lịch cộng đồng. Hơn bao giờ hết, Lào Cai cần có sự rà soát, đánh giá tác động của thủy điện đối với du lịch cộng đồng, từ đó có những chính sách, giải pháp phù hợp để cùng phát triển bền vững.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật